
Phát huy tiếng nói của cộng đồng về môi trường trên báo chí truyền thông
03/12/2022TN&MTBáo chí truyền thông với thế mạnh là đa phương tiện kết hợp với nền tảng internet đã thu hút được công chúng trên không gian mạng tham gia bình luận, phân tích .v.v về các vấn đề trong xã hội, đặc biệt là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân đó là môi trường.
Vai trò phát huy tiếng nói cộng đồng về môi trường
Trong bối cảnh phát triển cực mạnh của đời sống truyền thông, những vấn đề về môi trường - đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân - đang được cộng đồng tham gia đưa tin, thảo luận, đóng góp, bình luận .v.v Góp phần tạo ra dư luận xã hội với biên độ rộng, với cường độ cao, đồng thời, đến lượt mình, môi trường truyền thông đa phương tiện và tương tác đa chiều cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức về vấn đề môi trường của một bộ phận lớn công chúng.
Ảnh minh họa.
Môi trường là lĩnh vực rộng và gắn chặt với đời sống, an sinh của người dân, cho nên, có thể nói, hiện nay, không ngày nào trên báo chí chính thống không có các nội dung thông tin liên quan đến truyền thông môi trường. Đó có thể chưa phải là những đề tài trực tiếp đi vào các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ozon, suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm và suy thoái nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên, hay sa mạc hóa mà chỉ là các vấn đề môi trường trực tiếp như thực phẩm bẩn, hóa chất độc hại, chất kích thích thực động vật, xả rác, khai thác nước ngầm, chặt phá rừng bừa bãi, sử dụng điện và đất đai lãng phí, ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn ở đô thị, xả thải trái phép ra các dòng sông, buôn bán động vật hoang dã v.v. Tất cả các nội dung thông tin sự kiện trên báo chí đều khởi đầu cho công chúng truyền thông cùng tham gia đóng góp ý kiến, bình luận, thảo luận. Nhiều tác phẩm báo chí về đề tài môi trường vừa được xuất bản trên trang thông tin điện tử trong vòng một giờ đã đón nhận hàng trăm lời bình luận. Nhiều tác phẩm báo chí về các sự kiện sau khi đưa lên Internet đã được công chúng chia sẻ liên kết trên các trang mạng xã hội với hàng ngàn lượt ý kiến trao đổi.
Ảnh minh họa.
Những thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên sức ép của dư luận đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Báo chí phản ánh với các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý những sai phạm của doanh nghiệp, tổ chức. Những minh chứng đó đã khẳng định, báo chí là phương tiện tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức, cơ chế chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường đến với từng người dân, các tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội. Đồng thời, báo chí góp phần tuyên truyền, cổ vũ các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự chung tay và nhiệt tâm của cả cộng đồng xã hội, nhân loại trên toàn cầu, là trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Do vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.
Biện pháp tăng cường vai trò phát huy tiếng nói của công chúng về môi trường
Để tiếng nói của công chúng về môi trường được phát huy hiệu quả hơn nữa, báo chí với vai trò dẫn dắt, kết nối, định hướng, hết sức quan trọng.
Ảnh minh họa.
Thứ nhất, các nhà quản lý trong quy hoạch mạng lưới báo chí cần chú trọng hơn việc hình thành các cơ quan báo chí truyền thông về môi trường, cần tập huấn thường xuyên nâng cao kiến thức chuyên môn liên quan đến môi trường của các nhà báo, phóng viên; tăng cường nhận thức sâu sắc về những vấn đề liên quan đến môi trường của các nhà báo, phóng viên.
Thứ hai, cần xây dựng những diễn đàn, chuyên trang .v.v về môi trường dựa trên nền tảng internet nhằm xây dựng uy tín cá nhân về thông tin liên quan môi trường. Đồng thời tác động tới công chúng bằng báo chí truyền thông trên internet, xây dựng những phong trào về môi trường thông qua không gian mạng.
Thứ ba, các cơ quan báo chí cực đón nhận và phản hồi những ý kiến của công chúng về chính sách, quyết định, liên quan đến môi trường, các đánh giá tác động môi trường của một dự án/công trình .v.v Nhà báo, phóng viên đưa ra những phản hồi về công chúng.
Ảnh minh họa.
Thứ tư, đa dạng và phong phú hơn những thể loại báo chí: Thể loại có khả năng lý giải các vấn đề phức tạp như: bình luận, chuyên luận, xã luận, phóng sự điều tra .v.v Sự đan xen và đa dạng hóa giọng điệu của nhiều thể loại báo chí sẽ không chỉ làm cho tờ báo phong phú hơn về hình thức truyền tải thông tin, tăng sự hấp dẫn với bạn đọc mà hơn thế nữa các cơ quan báo chí, các tờ báo, đài sẽ phát huy được vai trò tích cực của mình như một lĩnh vực quan trọng là binh chủng của công tác tư tưởng của Đảng, góp phần thực thi thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Thứ năm, tích cực đăng những bài viết, chuyên trang liên quan đến môi trường; phân tích vào tác động môi trường ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân .v.v Triển khai những bài viết được công chúng quan tâm liên quan môi trường, nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về môi trường cũng như lồng ghép những nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường đến Nhân dân.
Báo chí truyền thông có vai trò trong việc tạo dựng, thúc đẩy dư luận xã hội về vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng như ở cách lĩnh vực khác, lĩnh vực môi trường luôn là một trong những vấn đề rất được công chúng quan tâm. Nắm | bắt được nhu cầu đó, báo chí đã liên tục có các tin bài phản ánh về nhiều khía cạnh khác nhau của môi trường, từ môi trường tự nhiên đến môi trường xã hội. Báo chí đã tạo ra cơ chế cho việc hình thành và phát triển các luồng dư luận xã hội về vấn đề này trên các phương tiện truyền thông đại chúng để tạo dựng và thúc đẩy làm trong sạch môi trường sống của con người. Đó cũng là một đặc trưng của báo chí hiện đại Việt Nam – một nền báo chí mang đậm chất nhân văn và truyền thống văn hóa yêu thiên nhiên, yêu hòa bình của dân tộc ta. Việc góp phần hình thành và thể hiện dư luận xã hội để đạt được mục đích cụ thể, như bảo vệ môi trường sống sẽ luôn luôn được báo chí quan tâm và tìm hướng đi phù hợp trong từng trường hợp để thực hiện mục tiêu này.