
Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam
23/05/2025TN&MTSáng ngày 23/5 tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (ISPAE) phối hợp cùng Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam”. Đây là hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ dự án Aus4Innovation, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Australia nhằm kiến tạo một hệ thống đổi mới sáng tạo thích ứng với yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại.
Hệ thống đổi mới sáng tạo: Động lực mới cho một nền nông nghiệp bền vững
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã cùng nhìn nhận đổi mới sáng tạo không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và chuyển dịch xu hướng tiêu dùng. Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Kim Wimbush – Tham tán CSIRO, Đại sứ quán Australia, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation – nhấn mạnh rằng đầu tư vào đổi mới sáng tạo chính là đầu tư cho tương lai bền vững và bao trùm của quốc gia, bởi nông nghiệp không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn gắn liền với sinh kế, an ninh lương thực và môi trường sống.
Tiến sĩ Kim Wimbush – Tham tán CSIRO, Đại sứ quán Australia, Giám đốc Chương trình Aus4Innovation phát biểu khai mạc buổi hội thảo
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Công Thắng – Viện trưởng ISPAE – chỉ ra rằng hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện có nhiều điểm sáng như năng lực nghiên cứu công lập và khu vực tư nhân năng động. Tuy nhiên, hệ thống vẫn đang phải đối mặt với các thách thức dai dẳng như rào cản về sở hữu trí tuệ, thiếu cơ chế tự chủ cho các đơn vị nghiên cứu công và đặc biệt là sự liên kết lỏng lẻo giữa khu vực công và tư. Những yếu tố này làm hạn chế khả năng hiện thực hóa các sáng kiến sáng tạo ở quy mô lớn.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và Môi trường (MAE) vừa được thành lập, cho thấy quyết tâm chính trị trong việc tích hợp chính sách phát triển nông nghiệp với bảo vệ môi trường. Điều này cũng mở ra cơ hội định hình lại hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng gắn kết hơn giữa nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp carbon thấp và kinh tế tuần hoàn.
Tiến sĩ Trần Công Thắng – Viện trưởng ISPAE nhận định hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp hiện nay có nhiều điểm mạnh sẵn có nhưng cũng có nhiều thách thức như vấn đề sở hữu trí tuệ, mối liên kết giữa khu vực công và tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ...
Hội thảo không chỉ là nơi tổng hợp tiếng nói của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, mà còn mở ra đối thoại giữa các bên liên quan – từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến các tổ chức quốc tế – về cách tiếp cận hiệu quả để tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống đổi mới sáng tạo trước các yêu cầu phát triển bền vững và bao trùm.
Từ phân tích hệ thống đến khuyến nghị chính sách: Hướng đi cho tương lai
Một điểm nhấn đáng chú ý tại hội thảo là phần trình bày của Tiến sĩ Zelalme Lema đến từ CSIRO. Dựa trên năm nghiên cứu điển hình, ông đã phân tích chức năng của hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp Việt Nam, qua đó làm sáng tỏ những “nút thắt” chính đang cản trở hiệu quả vận hành hệ thống. Trong đó nổi bật là sự thiếu đồng bộ giữa các cấp thể chế, năng lực điều phối còn hạn chế, cùng với việc chưa có cơ chế tài chính ổn định để hỗ trợ các sáng kiến đổi mới có mức độ rủi ro cao.
Giáo sư Andy Hall (CSIRO) tiếp tục mở rộng thảo luận với những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp theo hướng linh hoạt và thích ứng. Ông cho rằng thay vì theo đuổi một mô hình chuẩn mực duy nhất, Việt Nam cần phát triển một hệ thống mở, cho phép các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới tương tác hiệu quả và cùng hướng tới những mục tiêu phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường.
Hội thảo kỳ vọng mang đến một góc nhìn hướng tới tương lai, nhằm xác định các loại hình đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cần thiết trong thời gian tới, cùng với các giải pháp ưu tiên để xây dựng năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số kiểu mới
Phiên thảo luận mở, điều hành bởi TS. Trần Công Thắng, đã thu hút sự tham gia tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp. Các ý kiến tập trung vào việc xác định loại hình đổi mới cần ưu tiên, xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả đầu tư cho đổi mới sáng tạo và nhất là cải thiện cơ chế thể chế để tạo môi trường thuận lợi cho thử nghiệm, học hỏi và nhân rộng các mô hình sáng tạo trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Sự kiện kết thúc với tinh thần đồng thuận cao về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, phù hợp với bối cảnh Việt Nam nhưng không tách rời xu hướng toàn cầu. Kết quả hội thảo sẽ là cơ sở để Viện ISPAE phối hợp cùng các đối tác quốc tế và trong nước tiếp tục hoàn thiện các khuyến nghị chính sách, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững, công bằng và thích ứng trong thập kỷ tới.
Ngọc Huyền