
Phát triển kinh tế xanh để bảo vệ môi trường
08/12/2022TN&MTKinh tế xanh là xu hướng phát triển kinh tế mới của thế giới, kết hợp giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường một cách bền vững.
Định nghĩa về “Kinh tế xanh”
Định nghĩa được sử dụng phổ biến nhất là của các chương trình về Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), theo đó, nền kinh tế xanh được nhắc đến khi xét về mức độ carbon thấp, hiệu quả về tài nguyên và hòa nhập xã hội. Trong nền kinh tế xanh, tăng trưởng việc làm và thu nhập được thúc đẩy bởi đầu tư công và tư nhân vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng và tài sản cho phép giảm thiểu ô nhiễm, phát thải carbon, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng cũng như ngăn ngừa mất đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái. Kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại kết quả "cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể rủi ro môi trường, khan hiếm sinh thái".
Ảnh minh họa.
Theo quan điểm của Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP): Kinh tế xanh là cách tiếp cận để đạt được tăng trưởng kinh tế với mục đích phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo sự bền vững về môi trường. Kinh tế xanh tập trung vào việc đổi mới chất lượng mô hình tăng trưởng thông qua thúc đẩy hiệu quả về sinh thái. Kinh tế xanh được coi là mô hình phát triển chất lượng cao hơn, phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng xanh với mục tiêu lồng ghép bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon trong sản xuất kinh doanh làm động lực phát triển.
Từ những định nghĩa trên, có thể khái quát lại kinh tế xanh là nền kinh tế sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, có mức phát thải thấp và giảm thiểu những rủi ro về môi trường và cải thiện công bằng xã hội.
Lý thuyết kinh tế xanh là tư tưởng tinh tế tiến bộ với phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới, đối lập với các tư hưởng kinh tế truyền thống. Nếu như các tư tưởng kinh tế truyền thống quan tâm tới việc đo lường hiệu quả của hoạt động kinh tế, sử dụng các công cụ toán học để phân tích và đánh giá các quá trình kinh tế trên cơ sở các giả thiết về hành vi kinh tế của con người, thì lý thuyết kinh tế xanh quan tâm tới sự phát triển của xã hội theo dòng lịch sử phát triển của sinh vật học nhằm hiểu sâu sắc hơn về các vấn đề như thay đổi khí hậu, chứ không phải các vấn đề kinh tế.
Ảnh minh họa.
Lý thuyết kinh tế xanh nghiên cứu về thế giới của việc làm, các nhu cầu của con người, các nguồn lực của trái đất và cách thức kết hợp hài hòa giữa các phạm trù này với nhau. Thế giới thực này trước hết phản ánh “giá trị sử dụng”, chứ không phải “giá trị trao đổi” hay tiền bạc, vật chất. Nó thể hiện mặt chất lượng, chứ không thể hiện mặt số lượng, vì lợi ích cuộc sống của các loài trên trái đất. Lý thuyết kinh tế xanh quan tâm tới sự tái tạo, chứ không phải là sự tích lũy tiền bạc hay vật chất. Vì,lý thuyết kinh tế xanh hướng đến các giá trị trong mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, mong muốn của con người về một cuộc sống “vừa đủ” để tồn tại và phát triển bền vững. Điều này đối lập với quan niệm hiệu quả về số lượng vì mục đích kinh doanh và sự chia sẻ các nguồn lực một cách công bằng và hợp lý để đảm bảo cùng tồn tại bền vững.
Ảnh hưởng của lý thuyết kinh tế xanh đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh mở cửa hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới cùng chịu ảnh hưởng bởi các tác động xấu của các cuộc khủng hoảng. Đây là thời điểm Việt Nam có điều kiện nhìn nhận và đánh giá lại tình hình phát triển kinh tế và xác định mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện phát triển hiện tại. Trên cơ sở đó, mô hình phát triển kinh tế sẽ được cụ thể hóa thành các chiến lược, chính sách phù hợp với yêu cầu và điều kiện phát triển của từng giai đoạn phát triển.
Ảnh minh họa.
Phát triển kinh tế ở Việt Nam trong thời gian vừa qua chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Phát triển bền vững mặc dù là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhưng chưa được triển khai thực hiện tích cực trong thực tế. Phát triển kinh tế xanh trên thế giới mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam, giúp Việt Nam có thể tiếp cận và phát triển kinh tế xanh, song cũng tạo ra thách thức tụt hậu xa hơn nếu không nắm bắt được cơ hội. Do đó, vấn đề phát triển kinh tế xanh và bền vững cần được cân nhắc trong quá trình xây dựng và triển khai trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh minh họa.
Việt Nam mới bắt đầu làm quen với xu thế phát triển này, với một số ít các dự án năng lượng xanh đã được triển khai. Việt Nam cũng đang triển khai dự án 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng, Recycle - tái chế) được quốc tế đánh giá tốt. Mặc dù Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc thực hiện còn manh mún, chưa đồng bộ do khu vực này chưa có chiến lược và quy hoạch rõ ràng theo hướng phát triển xanh. Đây cũng là tình hình chung đối với các khu vực khác của nền kinh tế. Nông nghiệp là một trong ngành kinh tế chủ chốt trong phát triển xanh, đồng thời cũng lợi thế lâu dài của Việt Nam nhưng vẫn ở trình độ kém phát triển và có nguy cơ ngày càng tụt hậu so với các ngành kinh tế khác. Trước tình hình đó, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, song việc thực hiện chưa nhiều, chưa thực sự hiệu quả. Do đó, cần triển khai các đề án phát triển nông nghiệp xanh quyết liệt hơn, đồng thời có chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.
Lý thuyết kinh tế xanh là mô hình phát triển kinh tế tiến bộ với phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới, đối lập với mô hình kinh tế truyền thống. Lý thuyết kinh tế xanh sẽ là xu hướng phát triển của lý thuyết kinh tế hiện đại, nó khắc phục được những vấn để toàn cầu hiện nay và phù hợp sự phát triển bền vững.
Xuân Sơn - Thu Hải