
Phát triển nội dung số và vai trò sáng tạo của hội viên nhà báo
14/10/2024TN&MTSự bùng nổ của mạng xã hội đã tạo nên thách thức lớn đối với kinh tế báo chí, tuy nhiên biến mạng xã hội từ thách thức trở thành cánh tay nối dài đưa thông tin tới bạn đọc một cách nhanh chóng và chính xác sẽ là xu hướng tất yếu của các cơ quan báo chí. Tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của hội viên Chi hội Nhà báo trong phát triển nội dung Tạp chí TN&MT” diễn ra vào ngày 11/10/2024, tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Thái Nguyên. Nhiều tham luận đã nêu bật những giải pháp xây dựng nội dung các ấn phẩm có chất lượng cao, gắn với ứng dụng nội dung số, vai trò cá nhân sáng tạo nội dung và phát triển kinh tế báo chí.
Kinh tế báo chí trước thềm thách thức
Dưới sự phát triển chóng mặt của internet và công nghệ số, thời đạt 4.0 ra đời kéo theo sự "bành chướng" của mạng xã hội. Mỗi một cá nhân có tài khoản mạng xã hội đều có thể trở thành các "phóng viên thường trú trên không gian mạng" không chuyên khi chỉ cần có trong tay chiếc điện thoại thông minh. Báo chí không còn là kênh tiếp cận thông tin chủ lực của độc giả, vấn đề kinh tế báo chí vốn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo trở nên sụt giảm đáng kể. Theo thống kê, các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. Trước những thách thức của thời đại số, các cơ quan báo chí cần có những thay đổi, mạnh dạn thử nghiệm những mô hình mới, biến những thách thức thành cơ hội để thay đổi và phát triển.
Trong bài tham luận “Bối cảnh, xu thế phát triển báo chí nói chung và phát triển chất lượng nội dung các ấn phẩm của Tạp chí TN&MT” tại buổi Tọa đàm “Phát huy vai trò của hội viên Chi hội Nhà báo trong phát triển nội dung Tạp chí TN&MT” vào ngày 11/10/2024. TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT đã đưa những dẫn chứng cụ thể: Vấn đề kinh tế báo chí chưa bao giờ “nóng” như hiện nay, doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh truyền hình giảm hơn 20% so với năm 2022. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2024, một đài truyền hình lớn, giảm 62% nguồn thu quảng cáo. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (tức 10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có Đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí trình bày tham luận
Tham luận cũng chỉ ra nguồn thu quảng cáo báo chí sụt giảm, nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid -19; kinh tế suy thoái; xu hướng của công chúng báo chí thay đổi và nguồn quảng cáo bị chia sẻ với các nền tảng mạng xã hội và 1.924 trang thông tin tổng hợp được cấp phép hoạt động.
Trong bối cảnh toàn cầu của chuyển đổi số, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông nhằm thu hút công chúng và lôi kéo nhà quảng cáo diễn ra ngày một gay gắt, với sự xuất hiện và lan truyền khắp các nền tảng số như: Facebook, Google, Tiktok... đáng kinh ngạc và đang thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống cho các cơ quan báo chí trong nhiều thập kỷ qua.
Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới
Trước những thách thức không nhỏ từ các nền tảng số mà kinh tế báo chí đang phải đối mặt, các cơ quan báo chí cần có sự thay đổi để thích ứng, biến thách thức thành động lực hay cơ hội để phát triển. Cần mạnh dạn đổi mới, thay thế tư duy cũ chỉ trông mong vào nguồn thu quảng cáo và đứng nhìn nó suy giảm mà chưa có biện pháp khắc phục.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT cho rằng: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu của báo chí. Không chỉ từ quảng cáo, việc phát triển kinh tế báo chí từ các nền tảng số tuy khó nhưng vẫn có thể làm được nếu chúng ta biết cách vận dụng, ứng dụng, dám tư duy, dám đổi mới.
Dẫn chứng thực tế như Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long dù là đài cấp tỉnh nhưng có doanh thu năm 2023 hơn 1.400 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đã thu từ YouTube 4 triệu USD, tương đương 100 tỷ đồng.
Buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của hội viên Chi hội Nhà báo trong phát triển nội dung Tạp chí Tài nguyên và Môi trường”
Hay thu phí nội dung trên báo chí điện tử hiện có 5 cơ quan báo chí triển khai gồm: Báo điện tử VietnamPlus (năm 2018), Báo điện tử VietnamNet, Tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021), Báo Người Lao động, Báo Tuổi trẻ (năm 2022) và một số dạng thu phí kiểu thưởng cho tác giả hay mời tác giả cốc café (Tạp chí Lao động và Công đoàn…). Mặc dù các cơ quan báo chí này mới chỉ thử nghiệm ở một số chuyên mục, được đầu tư hơn về chất lượng và nội dung, chưa tạo ra doanh thu đáng kể song đây cũng là những bước tiến mới, cho thấy kinh tế báo chí vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.
Tại buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của hội viên Chi hội Nhà báo trong phát triển nội dung Tạp chí TN&MT”, Ban Biên tập, các viên chức, người lao động của Tạp chí đã trình bày các tham luận trong đó nêu bật những giải pháp có tính chiều sâu, khả thi trong phát triển kinh tế báo chí tại Tạp chí TN&MT gắn với ứng dụng nội dung số, phát huy vai trò của mỗi cá nhân.
ThS. Kiều Đăng Tuyết, Phó Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT đã đưa ra 6 giải pháp, trong đó nổi bật như: Cần có cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để viên chức, người lao động của Tạp chí phát huy nội lực, có những sáng kiến, sáng tạo trong phát triển kinh tế báo chí. Cần kiện toàn đội ngũ nhận sự làm kinh tế báo chí, xây dựng đội ngũ làm nhiệm vụ phát triển kinh tế báo chí đủ mạnh, luôn tuân thủ pháp luật để góp phần cải thiện và nâng cao doanh thu cho Tạp chí.
ThS. Kiều Đăng Tuyết, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
Tăng cường sự đa dạng và khai thác có hiệu quả các nguồn thu từ quảng cáo, PR trên Tạp chí in, Tạp chí điện tử, Tạp chí điện tử tiếng Anh. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn,... để truyền thông chính sách về đất đai, môi trường, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, tăng trưởng xanh,... Qua đó gia tăng thêm nguồn thu cho Tạp chí.
Chủ động hợp tác truyền thông có hiệu quả về TN&MT, bảo vệ TN&MT cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan và các địa phương để tổ chức chuyên đề, tổ chức hội thảo, xuất bản sách.
Xây dựng Tạp chí TN&MT là Tạp chí khoa học uy tín của ngành. Có lộ trình và đầu tư nguồn lực để xây dựng nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí in có chỉ số điểm khoa học đạt ngưỡng từ 0,75 - 1 điểm. Khai thác dịch vụ đăng bài trả phí để tạo thêm nguồn thu và tăng số lượng phát hành. Đồng thời nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí điện tử tiếng Việt và tiếng Anh để thu hút quảng cáo và hợp tác truyền thông.
Trình bày tham luận về “Xây dựng và phát triển nội dung của Tạp chí TN&MT trên các nền tảng mạng xã hội”, nhà báo Trần Tú Quyên cho rằng: Để biến mạng xã hội thành “tờ báo”, là cánh tay nối dài của việc cung cấp thông tin liên quan đến các lĩnh vực của ngành TN&MT, bên cạnh việc xuất bản truyền thống, Tạp chí TN&MT cần từng bước chuyển đổi cách thông tin nội dung từ truyền thống sang nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, phát triển dịch vụ và biến nền tảng trực tuyến thành kênh thông tin và tương tác với công chúng. Cùng với đó, cần làm mới mình, thay đổi nội dung có chất lượng trong khuôn khổ tôn chỉ mục đích với những định hướng và đầu tư mới trong tương lai. Việc này sẽ giúp Tạp chí TN&MT tăng cường sự hiện diện của mình, thu hút và tiếp cận nhanh và đa dạng với công chúng hơn.
Cùng với đó, các hoạt động tổ chức nội dung báo chí trên nền tảng mạng xã hội cần được quy chuẩn hóa và có hệ thống phát triển bài bản, nghiêm túc. Ngoài việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhanh các xu thế mới, cần định hướng chủ trương phát triển hệ thống các kênh truyền thông theo hướng nâng cao cả chất và lượng. Trong đó, yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu thay vì chạy theo số lượng, chạy theo xu hướng.
Nhà báo Trần Tú Quyên trình bày tham luận
Ngoài ra, giữa các nền tảng mạng xã hội của Tạp chí cần có sự phối kết hợp, có sự tương tác, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Tạp chí cùng nhau chia sẻ và lan toả thông tin để các nội dung của Tạp chí TN&MT trên nền tảng số ngày càng được lan toả rộng rãi và mạnh mẽ hơn.
Vai trò hội viên Hội nhà báo Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trong phát triển nội dung
Nhìn nhận khách quan, dù có xây dựng, áp dụng công nghệ chuyển đổi nào đi chăng nữa, song yếu tố con người vẫn là chủ đạo quyết định sự thành công của kế hoạch. Theo đó, vai trò của từng cá nhân hội viên trong việc triển kinh tế báo chí trên cơ sở phát triển nội dung là vấn đề cốt lõi, trở thành xương sống đối với mỗi cơ quan báo chí nói chung và Tạp chí TN&MT nói riêng.
Tại buổi tọa đàm, ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT trình bày tham luận “Nghĩa vụ của Hội viên Chi hội Nhà báo và trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí Tài nguyên và Môi trường”. Theo đó, ThS. Trần Thị Cẩm Thúy cho rằng: Phát triển kinh tế báo chí trước hết cần phải nâng cao chất lượng nội dung. Song để nâng cao được chất lượng tạp chí là sự sâu chuỗi của tất cả các bộ phận, trách nhiệm của từng hội viên chi hội. Mỗi bộ phận có chức năng riêng nhưng cùng hỗ trợ, đoàn kết tạo điều kiện cùng nhau phấn đấu để Tạp chí TN&MT thực sự thể hiện rõ đặc trưng, bản sắc của Tạp chí, là cơ quan lý luận, đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phân tích đưa ra các giải pháp, kinh nghiệm, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Để có được điều đó, có sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sâu sát của Hội viên Lãnh đạo quản lý, nhưng rất cần sự năng động, sáng tạo đầy nhiệt huyết, đoàn kết thống nhất của mỗi biên tập viên, phóng viên của chi hội nhà báo Tạp chí.
ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
“Các Hội viên có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, sự kiện và tổ chức thực hiện theo lĩnh vực được phân công. Đề xuất giải pháp, phương án thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, khuyến khích hội viên có tính đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ. Trách nhiệm của biên tập viên, Hội viên là không ngừng tự giác học tập, nghiên cứu, tìm hiểu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ báo chí và chuyên ngành TN&MT."- ThS. Trần Thị Cẩm Thúy nhấn mạnh!
Tại Tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Khắc Đoàn, trình bày tham luận “Phát huy vai trò của Hội viên trong thực hiện nội dung Tạp chí in”. Theo Nhà báo Nguyễn Khắc Đoàn, để nội dung được tốt hơn, từng phóng viên và biên tập viên cần được trang bị, đào tạo thêm về kỹ năng viết tin, bài, biên tập thông qua các diễn đàn, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí. Giúp phóng viên và biên tập viên nâng cao khả năng viết và thực hiện các thể loại báo chí đa phương tiện,…
Trong tham luận “Đạo đức của người làm báo trong quá trình tác nghiệp”, Nhà báo Bùi Quang Hậu, cho biết: Việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, xét cho cùng cũng chính là nhằm nâng cao trình độ tư duy, phẩm chất chính trị và nghiệp vụ của người làm báo. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trong nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo.
Do đó, bản thân nhà báo phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn phẩm giá của người làm báo trước sự tác động, mua chuộc, lôi kéo và cám dỗ của những lợi ích vật chất tầm thường, mục đích vụ lợi không trong sáng. Chỉ có đạo đức nghề nghiệp, người làm báo mới có thể thực hiện đúng nhiệm vụ, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với cộng đồng và xã hội, có đủ sức mạnh và nghị lực để vượt qua khó khăn, chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Khắc Đoàn trao đổi tại Tọa đàm
Mỗi nhà báo phải tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội, thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống, kiên quyết loại bỏ tư tưởng lệch lạc, tha hóa, biến chất, quyết giữ gìn “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.
Trình bày tham luận về “Hội viên cần tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình viết tin, bài” Nhà báo Đoàn Thị Hồng Minh mong muốn, mỗi phóng viên điện tử của Tạp chí phải là một cây bút sắc nét, am hiểu 1 lĩnh vực thật chuyên sâu trong 09 lĩnh vực của ngành nhưng cũng phải bao quát, hiểu toàn diện về tất cả các lĩnh vực khác để khi tác nghiệp thực tế, viết bài được đầy đủ, chính xác và chuyên sâu. Đặc biệt, truyền thông về chính sách pháp luật của ngành TN&MT rất khó, phóng viên cần cẩn thận, không ngừng học hỏi, nỗ lực thì mới gắn bó được với tòa soạn và phát huy năng lực trong nghề.
Nhà báo Đoàn Thị Hồng Minh trình bày tham luận
Tiềm năng lớn từ Tạp chí tiếng Anh
Một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế báo chí hiện nay đó là mở rộng thị hiếu, thị trường bạn đọc, không chỉ bạn đọc trong nước mà còn hướng tới bạn đọc quốc tế đang được xem là giải pháp đầy tiềm năng nhưng còn khá ít cơ quan báo chí khai thác.
Theo TS. Đào Xuân Hưng "Việc phát triển Tạp chí điện tử bằng ngôn ngữ tiếng Anh sẽ là kênh thông tin đối ngoại của Bộ và ngành tài nguyên và môi trường, thông tin thực hiện về Net Zezo của Việt Nam, các kết quả nghiên cứu, ứng dụng, thành tựu khoa học của ngành tài nguyên và môi trường rất có giá trị và đặc biệt truyền thông về chính sách, pháp luật về đất đai, môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đã, đang và sẽ có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Nhà báo Bùi Quang Hậu trình bày tham luận tại Tọa đàm
Chuyên trang tiếng Anh của Tạp chí TN&MT điện tử sẽ đóng góp thiết thực về truyền thông nâng cao vị thế quốc gia trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam; thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tài nguyên và môi trường, hoạt động chỉ đạo của Bộ TN&MT trong chính sách quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên và môi trường.
Đặc biệt, Chuyên trang tiếng Anh của Tạp chí TN&MT điện tử sẽ trở thành 01 chuyên trang tuyên truyền cho Hội nghị COP với mong muốn những mục tiêu của COP cũng như các cam kết của Việt Nam sẽ được thông tin, tuyên truyền nhanh, hiệu quả, hướng tới đồng thuận trong xã hội và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế".
Trình bày tham luận “Giải pháp để thu hút nhiều bạn đọc cho chuyên trang tiếng Anh của Tạp chí TN&MT”. Theo Nhà báo Lê Ngọc Huyền: Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, Tạp chí TN&MT đã không ngừng đổi mới, vượt qua giới hạn của phương thức xuất bản truyền thống. Với việc áp dụng công nghệ hiện đại, Tạp chí đã chuyển mình theo xu thế mới, nhanh chóng thích ứng với nhu cầu thông tin trực tuyến của độc giả toàn cầu. Từ khi chính thức đi vào hoạt động, chuyên trang tiếng Anh đã không chỉ tập trung vào các chính sách về tài nguyên và môi trường, các vấn đề hợp tác quốc tế của Bộ TN&MT mà còn cập nhật nhanh chóng các sự kiện môi trường toàn cầu như Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), COP28, và các dự án hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu.
Nhà báo Lê Ngọc Huyền trình bày tham luận
Để phát triển mạnh hơn nữa chuyên trang điện tử tiếng Anh của Tạp chí, Nhà báo Lê Ngọc Huyền đưa giải pháp: Đầu tư vào nhân lực và công nghệ; xây dựng một chế độ nhuận bút hấp dẫn khuyến khích các phóng viên, biên tập viên, người phụ trách tích cực đóng góp nội dung có giá trị; cần có các chính sách khuyến khích lâu dài, như đánh giá thành tích hàng năm và trao thưởng cho những cá nhân có nhiều đóng góp nổi bật; Tối ưu hóa công nghệ và SEO. Cùng với đó, cần có chiến lược lâu dài như: Tăng cường hợp tác quốc tế; Nâng cao chất lượng nội dung; Đẩy mạnh tiếp thị số,…
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường ứng dụng chuyển đổi số
Đối với Tạp chí TN&MT, trong năm 2024, đã có những thay đổi rõ rệt trong định hướng phát triển kinh tế báo chí, sự thay đổi trong cách tiếp cận và chỉ đạo thực hiện sâu sát của lãnh đạo Tạp chí tới VC, NLĐ thấy được tầm quan trọng của kinh tế báo chí nói chung, kinh tế báo chí của Tạp chí nói riêng, để từ đó để mỗi VC, NLĐ thấy được trách nhiệm, tham gia tích cực trong việc đóng góp đối với cơ quan về tham mưu chính sách thu hút quảng cáo, sự kiện về truyền thông chính sách, phát triển kinh tế báo chí, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực.
Hiện nay, nguồn thông tin chủ yếu của Tạp chí cung cấp đến bạn đọc chính là việc xuất bản định kỳ 2 số/tháng, cùng với Tạp chí điện tử: http://www.tainguyenvamoitruong.vn. Từ tháng 7/2023, Tạp chí TN&MT thử nghiệm đăng tải thông tin trên 2 kênh Youtube và Tiktok. Thay vì những bài viết dài, việc sản xuất những bản tin video ngắn về những sự kiện chính trị, trong đó ưu tiên các hoạt động của lãnh đạo Bộ, các sự kiện quan trọng của ngành TN&MT đã cung cấp và cải thiện thông tin cho độc giả không đọc báo được tiếp cận thông tin chính thống của ngành, là những thông tin đã được kiểm chứng và có độ chính xác cao. Đến nay, 2 kênh Youtube và Tiktok đã có lượng người truy cập ổn định và có nhiều phản hồi tích cực.
Về xây dựng nội dung số trên các nền tảng mạng xã hội, hiện nay Tạp chí cần tập trung khai thác được thế mạnh này. Theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2024, trên kênh YouTube, Tạp chí đã sản xuất được 540 video thời tiết với 755,2k view (xem). Chỉ tính riêng tháng 9/2024, với việc thay đổi làm video ngắn thay bằng video dài, kênh YouTube của Tạp chí có số lượt xem trong tháng 9/2024 đạt 610 nghìn lượt xem, tổng giờ xem đạt 5.100 giờ.
Tháng 9/2024, kênh Tiktok của Tạp chí có số lượt xem đạt 3.5 triệu view (xem), 26.000 lượt like (thích) và 962 lượt chia sẻ, trong đó có nhiều video trên 100 nghìn lượt người xem. Video lượt view nhiều nhất là 171 nghìn người xem. Đến nay, một ngày đều có hơn 100.000 lượt người xem Tiktok của Tạp chí.
Đặc biệt trong cơn bão số 3 và số 4 vừa qua, Tạp chí đã tập trung thực hiện các bản tin về dự báo bão, cảnh báo lũ, lưu lượng mưa, cảnh báo sớm về thiên tai, cập nhật thông tin thường xuyên, qua việc lan tỏa trên Facebook, Zalo đã gia tăng thu hút số lượng nhiều người xem, qua đó góp phần hiệu quả vào công tác thông tin, truyền thông về dự báo thời tiết và phòng chống bão lụt.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của báo chí
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT nhấn mạnh: Đây mới là bước đầu thực hiện thử nghiệm, do vậy, đối với nội dung trên các nền tảng mạng xã hội của Tạp chí cần tập trung vào 9 lĩnh vực của ngành, cần thực hiện sáng tạo về nội dung như: YouTobe: Đặc sắc, sâu, dài, hay; Tiktok: Ngắn, xu hướng, thị hiếu; Facebook: Kênh dẫn, quảng bá, giới thiệu, lan tỏa nội dung...
Mục tiêu hướng đến năm 2026, cùng với phát triển về nội dung, nâng cao đời sống viên chức, người lao động, Tạp chí sẽ kiện toàn về công tác tổ chức, nhân sự, định hướng xây dựng bộ máy của Tạp chí gồm có: 05 phòng: Trị sự; in; điện tử; nội dung số; Văn phòng miền Nam.
Tạp chí cần sự chung tay đồng lòng trong việc phát triển nội dung số và vai trò sáng tạo của mỗi của hội viên Chi hội nhà báo và sự đoàn kết thống nhất của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Tạp chí cho sự phát triển của cơ quan ngày một tốt hơn, trong đó hướng tới chuyển đổi số báo chí, ứng dụng nền tảng số để phát triển nội dung và kinh tế báo chí.
Hoàng Anh