
Thúc đẩy tái chế chất thải nhựa ở Việt Nam
14/04/2023TN&MTCam kết mạnh mẽ phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp; quy định về phát triển kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn là cơ sở, tiền đề quan trọng để thúc đẩy tái chế chất thải ở Việt Nam.
Với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, kinh tế xanh và các-bon thấp đã trở thành xu hướng phát triển của Việt Nam. Tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng là nhu cầu tất yếu để thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Cơ chế EPR đối với bao bì nhựa được áp dụng từ năm 2024
Định nghĩa và các tiêu chí về mô hình kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa. Kinh tế tuần hoàn sẽ được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển. Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện các biện pháp quản lý hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu chất thải và các tác động đối với môi trường. Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng sẽ đề ra định hướng và lộ trình làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
ảnh minh họa
Lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa và loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã được ban hành; cơ chế EPR đối với bao bì nhựa được áp dụng từ năm 2024. Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019) đặt ra mục tiêu rác thải nhựa trên biển và đại dương giảm 50% vào năm 2025, giảm 75% vào năm 2030. Đến năm 2025, không sử dụng các loại túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và khu du lịch. Từ sau năm 2030, không sản xuất, nhập khẩu các loại túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Từ năm 2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm phải thu hồi, tái chế bao bì nhựa thải bỏ thông qua một trong các hình thức: Tự tổ chức thu hồi, tái chế hoặc; Ủy thác cho bên thứ ba thu hồi, tái chế hoặc; Đóng góp kinh phí thu hồi, tái chế vào Quỹ BVMT Việt Nam.
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích hoạt động tái chế chất thải nói chung, chất thải nhựa nói riêng đã được ban hành. Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí, lệ phí và trợ giá sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường nhằm khuyến khích, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào hoạt động tái chế chất thải.
Chính sách về nhập khẩu phế liệu được quy định cụ thể hơn thông qua ban hành quy chuẩn kỹ thuật và quy định ký quỹ BVMT đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa.
Quy định về phân loại tại nguồn và thu phí theo khối lượng/thể tích chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, hạn chế chôn lấp trực tiếp chất thải rắn được ban hành hướng tới thúc đẩy tái chế, tái sử dụng. Các doanh nghiệp cơ bản đã có nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến tái chế chất thải nhựa.
Trên 50% doanh nghiệp được khảo sát hiểu biết về quy định liên quan đến tái chế chất thải nhựa trong Luật BVMT năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Các doanh nghiệp cơ bản đã có sự hiểu biết về quy định liên quan tại Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN 32:2018/BTNMT - đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất) và Thông tư 02/2022/TT-BTNMTquy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2020.
Việt Nam có tiềm năng về phế liệu nhựa và dư địa về đầu tư công nghệ, là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp tái chế chất thải nhựa.
Hằng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP, tuy nhiên mới chỉ có 1,28 triệu tấn (33%) được tái chế trong khi 2,62 triệu tấn nhựa (67%) bị thải bỏ, thất thoát 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD4. Việc phân loại chất thải tại nguồn từ 01/01/2025 kỳ vọng sẽ tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp tái chế trong thời gian tới.
Công suất lắp đặt của các doanh nghiệp tái chế khu vực chính thức mới chỉ đáp ứng được 30% tổng nhu cầu về công suất tái chế (trong đó, công suất lắp đặt mới chỉ đáp ứng 64% đối với loại hình nhựa PET bao bì, 29% đối với nhựa PP, 30% đối với nhựa PE và không đáng kể đối với sợi Polyester-PET6); do đó, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển các doanh nghiệp tái chế nhựa chính thức 67% doanh nghiệp tái chế nhựa (thuộc khu vực chính thức) có trình độ công nghệ từ mức khá trở lên. Các doanh nghiệp khảo sát đều có hệ thống xử lý môi trường (khí thải, nước thải) và ký hợp đồng với bên thứ ba để xử lý chất thải.
Còn thiếu các hướng dẫn chi tiết thực hiện
Chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa mới được ban hành, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện. Cơ chế EPR còn thiếu các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về cách tính mức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam; về quản lý tài chính và lựa chọn các dự án tái chế; về thiết lập Văn phòng, Hội đồng quốc gia về EPR và quy chế hoạt động để bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực của các thiết chế này.
Các doanh nghiệp đã chuyển mình và nghiêm túc thực hiện Luật BVMT năm 2020
Còn thiếu các quy định cụ thể về phát triển kinh tế tuần hoàn như: Thiết kế sinh thái; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các sản phẩm tái chế; quy định về tỷ lệ nhựa tái chế bắt buộc trong các sản phẩm; quy định về mức đóng góp tài chính dựa trên khả năng tái chế của sản phẩm.
Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức, thiết lập, vận hành mạng lưới thu hồi, thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý bao bì nhựa sau khi thải bỏ. Việc tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc.
Còn thiếu các hướng dẫn chi tiết ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn, thuế nói chung; ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động tái chế chất thải nhựa nói riêng. Các quy trình, thủ tục đề nghị ưu đãi, hỗ trợ còn phức tạp và vướng mắc.
Các tiêu chí xác định dự án xanh để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh chưa được ban hành. Chính sách về mua sắm xanh chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa là động lực thúc đẩy phát triển các sản phẩm sinh thái nói chung, sản phẩm nhựa tái chế nói riêng.
Phần lớn nguyên liệu cho hoạt động tái chế là nhựa phế liệu nhập khẩu; phế liệu nhựa trong nước có nhiều tạp chất làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nhựa tái chế. Hoạt động tái chế còn phụ thuộc rất nhiều vào nhựa phế liệu nhập khẩu. Nguồn đúng chủng loại, thuận lợi hơn cho hoạt động tái chế và đảm bảo chất lượng sản phẩm tái chế.
Nguồn nhựa phế liệu trong nước có nhiều tạp chất làm gia tăng chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhựa tái chế, giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm tái chế. Nguồn cung phế liệu không ổn định dẫn đến khó khăn trong việc lên kế hoạch cũng như mở rộng quy mô sản xuất. Sự bị động về nguồn cung cũng là nguyên nhân khiến ngành tái chế nhựa khó triển khai các dự án tái chế quy mô lớn
Hoạt động tái chế phi chính thức ở các làng nghề với công nghệ lạc hậu vẫn đang đóng góp một phần đáng kể, gây ô nhiễm môi trường và cạnh tranh với khu vực chính thức về nguồn nhựa phế liệu trong nước. Hoạt động tái chế nhựa phi chính thức được thực hiện bởi các cơ sở quy mô nhỏ, hầu hết ở các làng nghề với công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Diện tích các cơ sở nhỏ hẹp, gây khó khăn cho mở rộng sản xuất cũng như thay đổi công nghệ. Chất lượng sản phẩm nhựa tái chế từ hoạt động tái chế phi chính thức thấp nên chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường phân khúc thấp.
Các cơ sở tái chế phi chính thức ở các làng nghề, do tính đặc thù và linh hoạt trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, có sự tiếp cận đa dạng hơn với các nguồn cung cấp nhựa phế liệu, cạnh tranh với các doanh nghiệp chính thức trong việc thu hồi, tái chế bao bì nhựa sau khi thải bỏ.
Năng lực của hoạt động tái chế phi chính thức còn hạn chế, cơ sở dữ liệu còn bất cập gây rào cản, vướng mắc trong phát triển hoạt động tái chế chất thải nhựa. Lực lượng lao động của ngành tái chế nhựa hiện nay hầu hết có trình độ thấp, tay nghề chưa cao, gây khó khăn trong cải thiện hiệu quả tái chế. Năng lực của đội ngũ quản lý trong các cơ sở tái chế nhựa phi chính thức rất thấp so với các ngành sản xuất khác, là trở ngại lớn đối với đổi mới công nghệ tái chế và mở rộng sản xuất.
Còn thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin công khai, minh bạch về nguyên liệu, sản phẩm của các hoạt động tái chế nhựa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế cũng như các bên liên quan tiếp cận thông tin.
Đề xuất một số giải pháp
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; xây dựng, ban hành các hướng dẫn thực hiện hoạt động tái chế chất thải nhựa.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn ở các cấp, các ngành; xây dựng quy định về thiết kế sinh thái, quy định về quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhựa tái chế, quy định về tỷ lệ nhựa tái chế bắt buộc trong các sản phẩm và quy định về mức đóng góp tài chính dựa trên khả năng tái chế của sản phẩm.
Mô hình hồi sinh rác thải nhựa nhanh chóng nhân rộng
Sớm ban hành hướng dẫn xác định mức đóng góp kinh phí cho hoạt động thu hồi, tái chế; quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải; thiết lập Văn phòng và Hội đồng EPR quốc gia và quy chế hoạt động.
Hướng dẫn, giảm thiểu các thủ tục hành chính, bảo đảm các doanh nghiệp tái chế có thể tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ từ chính phủ.
Xây dựng các hướng dẫn về ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, đầu tư; về tiếp cận hỗ trợ của Quỹ BVMT Việt Nam; giảm bớt rào cản trong quy trình, thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được các ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động tái chế.
Xây dựng và ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; đẩy mạnh thực hiện mua sắm công xanh đối với các sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn sinh thái.
Từng bước thực hiện thành công phân loại chất thải rắn tại nguồn để tăng cường việc sử dụng phế liệu nhựa trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm thu hồi, tái chế.
Tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chậm nhất đến 31/12/2024, để nâng cao chất lượng của nhựa phế liệu trong nước, tạo thêm nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp tái chế.
Nghiên cứu và áp dụng công nghệ, từng bước thúc đẩy hoạt động tái chế các loại nhựa có giá trị thấp. Hỗ trợ, khuyến khích xây dựng và triển khai các mô hình tổ chức, thiết lập, vận hành mạng lưới thu hồi; thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý các bao bì nhựa sau khi thải bỏ.
Hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý và công nghệ để thúc đẩy sự tham gia và từng bước chính thức hóa hoạt động tái chế chất thải nhựa ở các làng nghề.
Xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường tiếp cận thông tin minh bạch về kinh tế tuần hoàn và thị trường tái chế nhựa.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cung cấp nhựa phế liệu, chủng loại nhựa phế liệu, doanh nghiệp tái chế nhựa phế liệu được cấp phép để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái chế cũng như các bên có liên quan tiếp cận thông tin, đảm bảo thị trường tái chế nhựa phế liệu minh bạch hơn.
Vũ- Anh