
Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh: Đa dạng ngành nghề để đào tạo những công dân tương lai có trách nhiệm với môi trường
15/07/2024TN&MTTrường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh là Trường Đại học trực thuộc hệ thống các trường đại học công lập tại Việt Nam. Với hơn 45 năm hình thành và phát triển, đến nay Trường đã khẳng định được vị thế của một trường đại học kỹ thuật, công nghệ và quản lý mạnh của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đây là cái nôi đào tạo những công dân tương lai có trách nhiệm mới môi trường
Theo PGS.TS Huỳnh Quyền: "Đa dạng ngành nghề, phương thức xét tuyển, chương trình đào tạo để các thí sinh tìm kiếm nghề nghiệp tương lai phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội"
Phối cảnh trụ sở mới của Trường tại Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh
Một mùa tuyển sinh nữa lại đến, cũng như bao ngôi trường đại học khác trong cả nước, Ban Giám hiệu và phòng đào tạo Nhà trường đang bận rộn với công tác tuyển sinh, chuẩn bị đón các tân sinh viên và rộn ràng một năm học mới chuẩn bị bắt đầu.
Vậy công tác tuyển sinh, cũng như kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của Nhà trường năm nay có gì mới, nhận định về xu hướng chọn ngành nghề của những công dân tương lai ra sao, thông tin này đã được PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh chia sẻ trong nội dung phỏng vấn dưới đây:
PV: Thưa ông, thời điểm này các bậc cha mẹ và học sinh cả nước đang hồi hộp chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp PTTH quốc gia và định hướng cho con em mình chọn ngành, chọn nghề. Ở cương vị của mình, ông có thông điệp gì muốn giới thiệu và chia sẻ gì về Nhà trường và định hướng chọn ngành chọn nghề cho các thí sinh 2k6 năm nay?
PGS.TS Huỳnh Quyền:
Là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TN&MT khu vực phía Nam, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh luôn xác định phải luôn làm tốt nhiệm vụ và xác định sứ mệnh của mình là đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Khoa học Trái đất, Tài nguyên, Môi trường, Biến đối khí hậu và các lĩnh vực ngành nghề khác phục vụ cho ngành TN&MT và cho xã hội.
Với 19 ngành nghề trong 6 nhóm ngành: Quản lý kinh tế; khoa học trái đất và ứng dụng; kỹ thuật công nghệ; máy tính - công nghệ thông tin; xây dựng kiến trúc; tài nguyên và môi trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có khối kiến thức để giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành nghề trong đó cốt lõi là môi trường và tài nguyên.
Trước định hướng phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam, một số ngành nghề hiện có nhu cầu nguồn nhân lực cao của Nhà trường phải kể đến: Quản lý tài nguyên biển đảo, quản lý tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, địa chất khoáng sản,…
Đặc biệt, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh với mức học phí 12-14 triệu đồng/năm sẽ là điều kiện tốt để thí sinh có thể tham gia xét tuyển, thực hiện ước mơ tại trường.
Cũng như các trường đại học khác, phương thức xét tuyển học bạ đã kết thúc đợt 3 và nhà trường đang chờ phương thức xét tuyển bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi hy vọng đây là nơi để thí sinh tìm kiếm nghề nghiệp tương lai phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
PV: Thưa ông, để đáp ứng xu hướng “đi tắt đón đầu” trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tài nguyên và Môi trường, Nhà trường đã đổi mới, ưu tiên gì để phục vụ tốt cho công tác đào tạo có chất lượng?
PGS.TS Huỳnh Quyền:
Chúng tôi tự tin và khẳng định, Nhà trường đang có đội ngũ tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ với nhiều kinh nghiệm và được đào tạo bài bản ở các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo uy tín trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, trước những thách thức từ yêu cầu của nguồn nhân lực thời kỳ công nghiệp 4.0, thời kỳ của kỷ nguyên số, Nhà trường đã có những sự thay đổi nhanh chóng trong việc thiết kế các chương trình đào tạo dựa trên với triết lý “Giáo dục toàn diện - Phát triển bền vững - Hội nhập Quốc tế” và phương châm đào tạo “lấy người học làm trung tâm”, các chương trình đào tạo của Nhà trường đã được rà soát cập nhật, đảm bảo tính liên ngành, xuyên ngành, được tổ chức tự đánh giá và đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn quốc gia và hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chiếm trên 90% và được các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Một lần nữa tôi khẳng định, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh là nơi đáng tin cậy để các bạn sinh viên học tập, rèn luyện và phát huy tính sáng tạo trên lộ trình xây dựng nghề nghiệp của mình!.
PV: Được biết, Nhà trường mở thêm một số chuyên ngành mới, với mục đích đón đầu xu hướng phát triển và đổi mới của đất nước, vậy đó là những chuyên ngành gì và đặc thù của chuyên ngành đó như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Huỳnh Quyền:
Hiện nay, trong một số chuyên ngành mới thì có chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình là chuyên ngành mới mà chúng tôi tiên lượng đây là xu hướng phát triển cần trong thời gian tới.
Chính điều này đã làm cho Chương trình đào tạo ngành Quản trị đô thị và công trình của Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đang trở thành ngành học tiêu điểm trong giai đoạn hiện nay. Ngành Quản lý đô thị và công trình được mở tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh theo quyết định số 153/QĐ-TĐHTPHCM ngày 22/02/2022.
Ngành Quản lý đô thị và công trình nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị với mong muốn đào tạo ra thế hệ nhà quản lý trong tương lai có khả năng lãnh đạo và giải quyết những vấn đề đô thị có hiệu quả; có năng lực làm chủ công nghệ để ứng dụng vào các giải pháp tích hợp trong quản lý và vận hành đô thị hướng đến phát triển thông minh và bền vững.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của ngành học này cũng cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng nền tảng về quản lý quy hoạch đô thị, công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật trong đô thị các vấn đề về môi trường và đất đai đô thị. Các kiến thức này được cung cấp thông qua việc lập và xây dựng các chính sách, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị và vùng ven đô, quản lý hạ tầng và môi trường đô thị, chính sách phát triển kinh tế đô thị và quản lý dự án xây dựng công trình đô thị.
Hiện nay, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đang tuyển sinh và đào tạo ngành Quản lý đô thị và công trình ở bậc đại học hệ chính quy. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị đô thị và công trình của có thể đảm nhận công việc tại nhiều vị trí, lĩnh vực như tại các cơ quan quản lý hành chính nhà nước: Sở, Phòng quản lý chuyên ngành về xây dựng, đô thị với thu nhập ổn định.
PV: Rất tự hào với những gì Nhà trường đã đạt được và cũng xin ông cho biết về bước đột phá trong Chương trình đào tạo giáo dục của Nhà trường trong hệ thống giáo dục của Bộ GD&ĐT hiện nay?
PGS.TS Huỳnh Quyền:
Chương trình đào tạo của Nhà trường luôn luôn cập nhật theo hướng liên ngành- xuyên ngành, nghiên cứu ứng dụng đáp ứng nhu cầu hiện nay, đặc biệt trong thời kỳ Giáo dục 4.0. Các kiến thức về môi trường không đơn thuần đi riêng mà phải kết hợp với một số kiến thức khác, trong đó có cả văn hóa nhận thức của con người. Đơn cử, một hoạt động về thực hiện quy hoạch một khu công nghiệp đòi hỏi một cử nhân, kỹ sư ngành Quản lí Đất đai ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn về tài nguyên đất, quy hoạch đất còn phải hiểu biết các kiến thức về đánh giá tác động môi trường, về phát triển bền vững,... Để từ đó thực hiện quy hoạch được hài hòa giữa các mối quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực đó.
Cũng trên cơ sở này, chương trình đào tạo của Nhà trường từng bước điều chỉnh theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngay từ đầu năm 2021, nhà trường đã tổ chức hội thảo chương trình đào tạo mang tính liên ngành- xuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và theo đó, các chuyên ngành cũng được gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững.
Trong quá trình học tập, ngoài kiến thức nhà trường sinh viên còn được tham quan, thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp. Thời gian tới, sinh viên một số ngành địa chất, khoáng sản được giao lưu, học tập một số trường đại học trong khuôn khổ hợp tác với một số trường đại học châu Á. Việc trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp sinh viên rèn luyện tốt các kỹ năng làm việc của mình và tự tin hơn sau khi tốt nghiệp ra trường.
Mặt khác, mỗi chương trình đào tạo như lĩnh vực đất đai, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, môi trường, địa chất, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu,… đều có “sự nhúng” của các chương trình khác liên quan để sinh viên sau khi ra trường có kiến thức liên ngành - xuyên ngành, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nguồn nhân lực thời kỳ CN 4.0, kỹ nguyên số.
Qua công tác xếp hạng đánh giá về chất lượng đào tạo thì Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh năm 2023 đứng vị trí 64/240 trường đại học trên cả nước. Hơn 60% chương trình đào tạo của nhà trường đã được kiểm định. Và lộ trình hiện tại và sắp tới sẽ kiểm định tất cả các chương trình ở phạm vi trong nước, sau đó sẽ vươn ra nước ngoài.
Đây là sự đột phá rất lớn. Có được kết quả này còn phải kể đến đội ngũ giảng viên trình độ, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản từ các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học đầy đủ và hiện đại. Tất cả các chuyên ngành đào tạo của trường được đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn, kiến thức thực tế và thâm niên trong nghề tham gia xây dựng và trực tiếp giảng dạy.
Một số ngành nghề được các giáo sư thỉnh giảng người nước ngoài tham gia giảng dạy trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế về giáo dục và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã trở thành xu thế tất yếu, nhà trường cũng chủ động tăng cường nhiều chương trình hợp tác chiến lược trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học trên thế giới (MOU), từng bước nâng cao phương pháp và nội dung giảng dạy.
Rất sớm thôi, ngôi trường mới sẽ đi vào hoạt động với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo
PV: Quay lại chủ đề tuyển sinh, xin ông cho biết năm học 2024 Nhà trường có kế hoạch đào tạo các hệ như thế nào và ông có thông điệp gì gửi đến các công dân tương lai có trách nhiệm với môi trường?
PGS.TS Huỳnh Quyền:
Hiện Nhà trường có 11 khoa và 1 bộ môn. Đối với chương trình sau đại học có 6 ngành, sắp tới mở thêm đào tạo tiến sỹ.
Trong 11 khoa, Nhà trường đang xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học với 19 ngành nghề. Hàng năm, xác định theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT về nhân lực, cơ sở vật chất nhà trường tuyển 1.800 chỉ tiêu chính quy phân bổ cho 19 ngành nghề.
Trong các ngành nghề, có ngành bao trùm lĩnh vực tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, cũng như thực hiện chương trình đào tạo liên ngành tài nguyên và môi trường gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhà trường đang mở các ngành nghề như quản trị kinh doanh, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản lý đô thị,…
Như chúng ta đã thấy, vấn đề ngập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán của Tây nguyên, bảo vệ nguồn nước là vấn đề đòi hỏi các địa phương phải có tầm nhìn giải quyết theo một chiến lược lâu dài. Tương tự, Việt Nam có vị trí địa lý hơn 3.000 km bờ biển nhưng phát huy kinh tế biển cho nền kinh tế của quốc gia chưa được khai thác như logistics, kinh tế biển, du lịch biển.... Do đó, nhu cầu nhân lực ngành tài nguyên nước, quản lý môi trường biển, hải đảo,… thực sự đang rất cần và câu chuyện nguồn nhân lực này cũng đang được đặt ra. Đáp ứng nhu cầu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tiếp tục từng bước duy trì đào tạo, đáng chú ý, năm nay một số ngành nghề như địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, quản lý môi trường biển đảo bắt đầu có nhiều sinh viên đăng ký.
Có thể thấy, vấn đề môi trường không chỉ giải quyết một sớm một chiều bằng công nghệ mà phải được giải quyết bằng ý thức, trách nhiệm cộng đồng và đó chính là lớp trẻ sinh viên. Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì sinh viên của Nhà trường còn được trang bị ý thức, trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Tôi hy vọng không riêng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh mà cả các trường đại học khác đều có quan điểm chủ đạo này trong chương trình đào tạo thì nước ta sẽ có được một thế hệ công dân tương lai có trách nhiệm với môi trường, có tri thức để tự tin tham gia vào hành trình phát triển đất nước và trách nhiệm với môi trường.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Minh (thực hiện)