
Dự thảo Nghị định về EPR: Tháo gỡ, làm rõ một số nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về môi trường
01/07/2025TN&MTTại Hội nghị phổ biến, lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về EPR, các chuyên gia kỳ vọng nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và khả thi cho việc thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Chiều ngày 30/6/2025, tại Hà Nội, Cục Môi trường phối hợp với Báo Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội thảo “Phổ biến và lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR)”. Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các hiệp hội, nhà sản xuất, nhập khẩu.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thu gom, tái chế, xử lý chất thải
Thời gian qua, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện quy định, đưa chính sách EPR vào thực tiễn. Tuy nhiên, đây là một chính sách mới, một số quy định vẫn cần được tháo gỡ, làm rõ.
Ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho rằng, Nghị định này tạo hành lang pháp lý minh bạch, khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý môi trường trong giai đoạn mới
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, EPR là một công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng.
Có thể nói, Việt Nam đã tiếp cận chính sách EPR từ rất sớm (từ năm 2005) với quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực là bước ngoặt quan trọng với việc quy định rõ hơn về trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số những hạn chế, bất cập. Để khắc phục những bất cập hiện hữu, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới về phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ động đề xuất xây dựng một Nghị định riêng quy định chi tiết về EPR.
Theo đó, Nghị định này không chỉ cụ thể hóa cơ chế thực hiện chính sách mà còn làm rõ các quy định về cơ chế tài chính như hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải, tạo hành lang pháp lý minh bạch, khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý môi trường trong giai đoạn mới. Hiện nay, Dự thảo Nghị định đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đăng tải công khai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...
Tháo gỡ, làm rõ một số nội dung, tăng tính minh bạch trong triển khai
Tại hội thảo, bà Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, trách nhiệm EPR là một chính sách quan trọng, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và mang lại những hiệu quả thiết thực trong quản lý chất thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ, đặc biệt là sau khi đã trở thành chất thải. Báo Nông nghiệp và Môi trường là kênh thông tin, là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm lan tỏa những thông tin hữu ích và hỗ trợ hiệu quả trong quá trình thực thi chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và EPR nói riêng… Bà Điệp nhấn mạnh, để đáp ứng được thực tiễn đời sống, sản xuất và tiêu dùng, chúng ta cần một Nghị định riêng để tăng tính minh bạch và giúp tập trung, hệ thống hóa toàn bộ quy định, tránh mâu thuẫn…
Bà Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường - Nghị định sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực trong quản lý chất thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Yên, Phó trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Môi trường) đã giới thiệu tổng quan về quy định EPR hiện hành và Dự thảo Nghị định mới về EPR 2025.
Theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, chính sách về EPR bao gồm trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì (Điều 54); trách nhiệm xử lý chất thải (Điều 55) và một số văn bản quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường như Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định số 05/2025/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-BTNTM, Thông tư số 07/2025/TT-BTNMT đã quy định rõ các nội dung liên quan đến chính sách EPR bao gồm: đối tượng, lộ trình, hình thức, trình tự thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải và các nội dung về tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế bắt buộc…
Trong Dự thảo Nghị định này, ông Yên cho biết, cơ bản tiếp thu các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định số 05/2025/NĐ-CP kết hợp với bổ sung, làm rõ một số quy định trên cơ sở thực tế, đồng thời quy định chi tiết nội dung về cơ chế hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải từ tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Sau khi các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Nghị định EPR, ông Hồ Kiên Trung khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ lắng nghe, tiếp thu đầy đủ và nghiêm túc các ý kiến góp ý từ các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện khung pháp lý về EPR, với mục tiêu phát triển đồng bộ chính sách, thúc đẩy thực thi hiệu quả chính sách EPR và đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Lê Hải