
Thế hệ trẻ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với sứ mệnh chung tay quản trị và phát triển bền vững tiểu vùng Lan Thương - Mê Kông
02/07/2025TN&MTKhai mạc Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông (YICMG 2025) tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) không chỉ mở ra sân chơi sáng tạo cho giới trẻ mà còn khẳng định tầm quan trọng của thế hệ trí thức mới trong giải bài toán quản trị nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp, môi trường bền vững cho một lưu vực sông quan trọng bậc nhất châu Á.
PGS. TS Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc cuộc thi
Cuộc thi do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) đồng chủ trì cùng Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) và các tổ chức quốc tế đã chính thức khai mạc ngày 30/6/2025.
Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông YICMG 2025 thu hút sự tham gia của sinh viên các trường đại học lớn trong khu vực như Đại học Phúc Đán, Đại học Thanh Hải và Đại học Tài chính và Kinh tế Quảng Tây (Trung Quốc); Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia); Đại học Quốc gia Lào; Đại học Yangon (Myanmar). Đại diện Việt Nam có sự tham dự của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Lan Thương - Mê Kông: Hành lang sống còn, thách thức chồng chất
Sông Lan Thương - tên gọi thượng nguồn của sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc), chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển Đông tại Việt Nam. Với chiều dài hơn 4.800 km, lưu vực rộng gần 800.000 km², Lan Thương - Mê Kông được coi là một trong những hệ thống sông lớn và giàu tiềm năng bậc nhất châu Á. Hơn 70 triệu người sống trực tiếp dựa vào dòng sông này, và sinh kế của gần 300 triệu dân tiểu vùng gắn bó gián tiếp với nó thông qua canh tác lúa gạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, giao thương và đa dạng sinh học.
Riêng Việt Nam - quốc gia cuối nguồn, có tới 20 triệu người dân gắn bó sinh kế với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là “vựa lúa” của cả nước, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu và hơn 65% sản lượng thủy sản nuôi. Dòng Mê Kông vì vậy không chỉ là mạch nguồn tự nhiên mà còn là huyết mạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng đất phương Nam.
Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, hành lang sống còn này đang phải gánh chịu hàng loạt áp lực bởi khai thác tài nguyên quá mức, phát triển thủy điện thượng nguồn, biến đổi khí hậu và mực nước thay đổi bất thường. Báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) cho thấy, trong vòng 20 năm trở lại đây, lượng phù sa về ĐBSCL đã giảm một nửa, từ 160 triệu tấn/năm xuống chỉ còn 70 - 80 triệu tấn/năm. Điều này khiến sạt lở bờ sông, sụt lún đất, xâm nhập mặn và mất cân bằng sinh thái diễn ra ngày càng gay gắt.
Thống kê mới nhất cuối năm 2024 cho thấy, toàn vùng ĐBSCL đã ghi nhận 743 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 794 km. Trong đó, có 591 km bờ sông, 203 km bờ biển đang bị xói lở với tốc độ trung bình mất đất 25 - 80 m/năm ở nhiều tỉnh thành trước đây như: Cà Mau, Trà Vinh, Bạc Liêu. Tại tỉnh Cà Mau hiện có hơn 83 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó 61 km được cảnh báo là đặc biệt nguy hiểm.
Song song với sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn đang làm gia tăng rủi ro mất mùa, thiếu nước sinh hoạt. Mùa khô 2023 - 2024, toàn vùng có hơn 73.900 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, 1.189 ha lúa bị ảnh hưởng. Tại Cà Mau, nhiều tuyến kênh thủy lợi cạn trơ đáy, đẩy chi phí vận chuyển nông sản bằng ghe, sà lan tăng gấp đôi. Triều cường và mặn xâm nhập sâu 15-20 km vào nội đồng, mực nước sông Tiền, sông Hậu tại Tân Châu - Châu Đốc giảm hơn 19% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn tại các cửa sông đã đạt mức 4 g/l, lấn sâu 50-65 km, vượt xa ngưỡng chịu mặn của cây lúa.
Tất cả các chỉ dấu này cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với một vòng xoáy khủng hoảng kép: sạt lở, sụt lún, hạn hán, xâm nhập mặn cộng hưởng, đe dọa trực tiếp an ninh lương thực quốc gia, sinh kế nông dân và ổn định hệ sinh thái vùng hạ lưu.
Trong bối cảnh đó, bài toán quản trị lưu vực Lan Thương - Mê Kông trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Để giữ được “mạch nguồn sự sống” này, không chỉ cần hợp tác quốc tế ở tầm vĩ mô mà còn cần thế hệ trẻ chung tay đưa ra những sáng kiến, mô hình thích ứng cân bằng lợi ích phát triển và gìn giữ tài nguyên. Chính vì vậy, những diễn đàn như Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông (YICMG 2025) mang ý nghĩa đặc biệt: Vun đắp ý tưởng, khơi dậy trách nhiệm công dân toàn cầu, tiếp sức cho hành trình giữ cho dòng Mê Kông chảy mãi - xanh mãi.
Thanh niên - nguồn lực kiến tạo tương lai quản trị lưu vực
Trong bối cảnh tiểu vùng Lan Thương - Mê Kông đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, sạt lở, suy giảm phù sa và bất ổn sinh kế, lực lượng thanh niên được coi là nguồn lực then chốt để kiến tạo các ý tưởng mới, thúc đẩy mô hình quản trị lưu vực bền vững.
Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông (YICMG 2025) được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) năm nay là minh chứng cho vai trò đặc biệt của sinh viên - trí thức trẻ - trong việc định hình các giải pháp xuyên biên giới.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khẳng định: “Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông không chỉ là sân chơi học thuật mà còn là không gian hun đúc tinh thần công dân toàn cầu cho sinh viên. Thế hệ trẻ hôm nay sẽ là những người kiến tạo chính sách, hoạch định tương lai lưu vực sông Mê Kông, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá, bảo đảm phát triển bền vững gắn với sinh kế của hàng triệu người dân khu vực”.
Tham gia YICMG 2025, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn không chỉ là chủ nhà tổ chức mà còn là “hạt nhân” lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo và trách nhiệm cộng đồng. Các nhóm nghiên cứu trẻ từ Khoa Quốc tế học, Khoa Xã hội học,… đã mang tới nhiều ý tưởng giàu tính thực tiễn như: Mô hình “Giám sát chất lượng nước bằng cộng đồng”; Kho dữ liệu mở về biến động dòng chảy và sinh kế vùng hạ lưu; Dự án du lịch sinh thái gắn bảo tồn bờ sông; Giải pháp giáo dục truyền thông nâng cao ý thức quản lý rác thải nhựa ven sông.
Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông là cuộc thi thường niên nhằm khuyến khích các giải pháp do thanh niên khởi xướng để thúc đẩy phát triển bền vững. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016, cuộc thi đã luân phiên diễn ra tại Trung Quốc và 04 quốc gia Tiểu vùng sông Mekong là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Năm 2025, Cuộc thi lần thứ 9 (YICMG 2025) được lựa chọn tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. YICMG được tổ chức với mục tiêu tăng cường giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa thanh niên các quốc gia, khuyến khích các giải pháp sáng tạo cho các thách thức phát triển của khu vực và thúc đẩy kết nối nhân dân trong khuôn khổ Hợp tác Lan Thương - Mê Kông.
Hơn 2.500 giảng viên, sinh viên và đại diện chính phủ từ 06 quốc gia đã tham gia, với trên 430 đề xuất chính sách, sáng kiến khởi nghiệp xã hội và doanh nghiệp vi mô. Nhiều sáng kiến đã được đưa tin bởi các cơ quan báo chí uy tín như People's Daily, Xinhua, China Daily, GimYong News, Laotian Times, Asia News Network…
Là một thương hiệu giao lưu văn hóa thanh niên có ảnh hưởng trong khuôn khổ hợp tác Lan Thương - Mê Kông, YICMG đã truyền năng lượng trẻ vào mô hình hợp tác khu vực “Vàng” trong suốt 8 năm qua.
Các chủ đề của YICMG qua các năm rất phong phú ở nhiều lĩnh vực, như: Giảm nghèo và Phát triển bền vững; Phát triển du lịch và các ngành công nghiệp xanh khác; Sản xuất, tiêu dùng xanh và phát triển xã hội; Internet và đời sống xã hội; Y tế công cộng và bảo hiểm y tế; Nông nghiệp mới, An ninh & An toàn thực phẩm; Phát triển xanh và Văn minh sinh thái.
Cuộc thi năm 2025 tập trung vào chủ đề “Công bằng và Chất lượng trong Giáo dục”. Trong bối cảnh nhiều thách thức kéo dài - từ hạn chế trong tiếp cận giáo dục cơ bản, bất bình đẳng vùng miền đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp và học tập suốt đời chưa phát triển - các thí sinh được mời xây dựng các dự án sáng tạo nhằm mở rộng cơ hội giáo dục công bằng, chất lượng cho mọi cộng đồng trong khu vực Lan Thương - Mê Kông.
Với vai trò đơn vị đồng tổ chức và là đơn vị đăng cai năm 2025, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ điều phối vòng Chung kết tại Hà Nội, hỗ trợ học thuật và hậu cần cho các đội tham dự, đồng thời đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa và hợp tác giải quyết vấn đề giữa thanh niên các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Sự tham gia của Nhà trường khẳng định cam kết lâu dài đối với hợp tác khu vực và phát triển bền vững, đồng thời đưa Hà Nội trở thành trung tâm ươm mầm tài năng và ý tưởng góp phần định hình tương lai giáo dục Đông Nam Á.
Điều quan trọng nhất là từ những sáng kiến nhỏ trên giảng đường, sinh viên có thể mở rộng thành các dự án cộng đồng nếu được tiếp sức bởi các chương trình ươm mầm, nguồn lực doanh nghiệp và kết nối với chính quyền địa phương. Đó cũng chính là giá trị then chốt mà YICMG 2025 hướng tới: hun đúc những “hạt giống lãnh đạo trẻ” có tri thức, trách nhiệm và khả năng hành động để đồng hành cùng các cơ chế hợp tác đa phương như Ủy hội sông Mê Kông (MRC), Hợp tác Lan Thương - Mê Kông (LMC).
Thông qua sân chơi trí tuệ này, sinh viên VNU-USSH tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của mình trong hệ sinh thái đại học xanh, kết nối tri thức liên ngành với các vấn đề phát triển bền vững, qua đó từng bước định vị hình ảnh thế hệ trí thức trẻ Việt Nam chủ động hội nhập, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm gìn giữ “mạch nguồn sự sống” cho hàng triệu người dân hạ lưu Mê Kông.
Quang cảnh buổi lễ khai mạc
Hợp lực quốc tế - Chìa khóa phát triển bền vững
Quản trị bền vững lưu vực Lan Thương - Mê Kông từ lâu không còn là bài toán nội bộ của một quốc gia nào, mà là thách thức xuyên biên giới, gắn lợi ích của hơn 70 triệu người dân ở 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, tài nguyên nước biến động phức tạp, việc hình thành và duy trì các cơ chế hợp tác quốc tế, chia sẻ dữ liệu minh bạch và cân bằng lợi ích thượng - hạ nguồn chính là chiếc “chìa khóa” then chốt để gìn giữ “mạch nguồn sự sống” Mê Kông.
Những năm qua, nhiều sáng kiến hợp tác khu vực đã được hình thành như Ủy hội sông Mê Kông (MRC), Hợp tác Lan Thương - Mê Kông (LMC) hay các chương trình hỗ trợ song phương, đa phương từ Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Thế nhưng, để những cơ chế đó thực sự đi vào chiều sâu, yếu tố con người, đặc biệt là thế hệ trẻ - có vai trò không thể thiếu. Họ chính là lực lượng tiếp sức cho quá trình hoạch định chính sách, thúc đẩy minh bạch thông tin, giám sát thực thi và lan tỏa các giải pháp sáng tạo xuống cộng đồng cơ sở.
Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông (YICMG 2025) được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là một minh chứng cụ thể cho tinh thần hợp lực ấy. Từ đây, các nhóm sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ, startup xã hội từ các quốc gia trong tiểu vùng không chỉ trình bày ý tưởng, mà còn trao đổi, phản biện, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau hình thành mạng lưới kết nối, bệ đỡ quan trọng để biến những sáng kiến nhỏ thành mô hình thực tiễn.
Đáng nói, nhiều dự án từ YICMG những mùa trước đã được phát triển thành các chương trình cộng đồng: sáng kiến giám sát chất lượng nước ở Thái Lan, mô hình canh tác tiết kiệm nước tại Lào, hay các chiến dịch truyền thông giảm rác thải nhựa tại Campuchia. Những ví dụ này cho thấy: khi thanh niên có cơ hội thử nghiệm, hợp lực quốc tế và nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ các cơ quan đa phương, những ý tưởng nhỏ có thể đi xa, trở thành giải pháp bền vững.
Việt Nam - quốc gia nằm cuối nguồn Mê Kông, càng cần phải thúc đẩy tinh thần kết nối ấy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mọi sáng kiến, mọi giải pháp công nghệ, mọi kênh ngoại giao song phương hay đa phương chỉ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là lực lượng trí thức trẻ hiểu thực tiễn, nói tiếng nói chung, gắn kết lợi ích thượng - hạ nguồn một cách công bằng, trách nhiệm.
Hợp lực quốc tế không chỉ là cam kết bàn giấy hay hội nghị, mà cần bắt đầu từ chính những hạt giống ý tưởng đang được gieo trồng trong các trường đại học, trong phòng thí nghiệm, trong các dự án cộng đồng quy mô nhỏ. Cuộc thi YICMG 2025 đã và đang làm tốt vai trò “vườn ươm” đầu tiên cho những hạt mầm ấy.
Điều quan trọng hơn, sau mỗi mùa thi, cần có những cơ chế ươm tạo, tiếp sức dài hơi để sáng kiến không dừng lại ở sân khấu trao giải, mà lan tỏa ra thực địa: từ hành lang sông Mê Kông đến đồng ruộng Cửu Long, từ lớp học ở thành thị đến làng quê ven sông. Chỉ khi ấy, tinh thần hợp lực quốc tế mới trở thành động lực bền vững, đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh - môi trường sạch - cộng đồng an toàn mà các quốc gia trong lưu vực đang hướng đến.
Hoạt động văn nghệ mở đầu của Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông 2025 tại VNU-USSH
Kỳ vọng lan tỏa
Cuộc thi Sáng kiến Thanh niên về Quản trị và Phát triển khu vực Lan Thương - Mê Kông (YICMG 2025) khép lại sẽ mở ra nhiều hành trình mới, khi mỗi ý tưởng, mô hình và giải pháp được nuôi dưỡng hôm nay sẽ trở thành hạt nhân của những thay đổi tích cực ngày mai. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức liên vùng ngày càng gay gắt, bài toán quản trị lưu vực Mê Kông đòi hỏi không chỉ cam kết chính trị, nỗ lực ngoại giao hay nguồn vốn đầu tư lớn, mà quan trọng hơn là một thế hệ trẻ đủ kiến thức, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm để chung tay bảo vệ “mạch nguồn sự sống” này.
Sự góp mặt chủ động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - ngôi trường “chủ nhà” chính là minh chứng cho sức sống mới của thế hệ trí thức trẻ Việt Nam: năng động, cầu thị, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Từ ý tưởng trên giảng đường, các nhóm sinh viên đang từng bước biến tri thức thành hành động, biến nghiên cứu thành công cụ kiến tạo phát triển bền vững, từ đó khẳng định vai trò tiên phong của giáo dục đại học trong hành trình gìn giữ các dòng sông xanh, đồng bằng trù phú và sinh kế bền vững cho hàng triệu người dân hạ lưu.
Điều quan trọng nhất, tinh thần “hợp lực quốc tế” không dừng lại ở một sân chơi học thuật, mà sẽ được nhân lên khi các sáng kiến được tiếp sức dài hạn, gắn với các chương trình quốc gia, địa phương và mạng lưới hợp tác đa phương. Mỗi gợi ý nhỏ từ YICMG 2025 hoàn toàn có thể trở thành viên gạch đặt nền cho các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ phù sa, kiểm soát sạt lở và phát triển sinh kế bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và toàn tiểu vùng Lan Thương - Mê Kông nói chung.
Vì vậy, kỳ vọng lớn nhất sau mỗi mùa thi không chỉ là những giải thưởng được trao, mà là một thế hệ lãnh đạo trẻ được truyền lửa trách nhiệm, thấm đẫm tinh thần nhân văn và sẵn sàng hành động vì những dòng sông không ngừng chảy - xanh mãi - bền mãi, như chính khát vọng phát triển của hơn 70 triệu cư dân trong lưu vực Lan Thương - Mê Kông hôm nay và mai sau.
Việt Anh