
Giai đoạn 2025 - 2030: Trồng trọt giảm phát thải, xanh hóa nông nghiệp
03/07/2025TN&MTGiảm phát thải trong trồng trọt được xem là khâu then chốt để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam. Giai đoạn 2025-2030, ngành nông nghiệp quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, xây dựng nền sản xuất xanh, thân thiện môi trường.
Thứ trưởng Hoàng Trung làm việc với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về vấn đề giảm phát thải trong trồng trọt. Nguồn ảnh: Tùng Đinh.
Trồng trọt Việt Nam trước ngưỡng cửa tái cấu trúc xanh
Trong bối cảnh Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, nông nghiệp - ngành kinh tế quan trọng chiếm khoảng 13-14% GDP và gần 30% lực lượng lao động đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới tư duy, phương thức sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Trong các lĩnh vực của ngành, trồng trọt là “trụ cột” lớn nhất, chiếm trên 50% giá trị sản xuất nông nghiệp nhưng cũng là nguồn phát thải chính từ việc canh tác lúa nước, sử dụng phân bón hóa học, đốt phụ phẩm và canh tác manh mún kém hiệu quả. Vì thế, việc triển khai Chương trình sản xuất trồng trọt giảm phát thải giai đoạn 2025-2030 được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội tái cấu trúc sản xuất, đồng thời tạo sức bật mới cho mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, hiện đại, thân thiện môi trường.
Trong hàng thập kỷ qua, sản xuất trồng trọt của Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và khẳng định vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, mô hình sản xuất truyền thống chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên đất, nước, lao động giá rẻ, phụ thuộc nhiều vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã bộc lộ những hạn chế nghiêm trọng.
Hệ quả là năng suất cao nhưng chất lượng chưa đồng đều, giá trị gia tăng còn thấp, trong khi chi phí môi trường ngày càng lớn. Phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa nước, phát thải từ đốt rơm rạ, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm đất, nước, không khí,… đang trở thành gánh nặng cho hệ sinh thái nông nghiệp, làm suy giảm đa dạng sinh học và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Trung đã chỉ đạo tại cuộc họp ngày 26/6: “Chúng ta cần xây dựng một Đề án bài bản để có thể triển khai từ Bộ xuống các địa phương một cách thông suốt”.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Trung, vướng mắc hiện nay về giảm phát thải trong trồng trọt là chưa có khuôn khổ pháp lý, chưa có công cụ đo đếm và nhận thức của đại đa số người dân, doanh nghiệp, cán bộ địa phương về sản xuất trồng trọt giảm phát thải còn hạn chế.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng, việc tiếp tục mô hình sản xuất cũ là con đường ngắn nhất dẫn tới sự tụt hậu và bất ổn sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân. Đặc biệt, khi các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng siết chặt tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon trở thành một “hàng rào kỹ thuật” bắt buộc, nếu chậm chuyển đổi, nông sản Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh ngay trên chính những thị trường truyền thống.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Trung: "Sản xuất trồng trọt giảm phát thải cần hướng tới mục tiêu phục vụ các nghĩa vụ đối với NDC, thay đổi tập quán canh tác theo hướng giảm sử dụng vật tư đầu vào, bền vững và thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu nông sản phát thải thấp để lan tỏa trách nhiệm của ngành trồng trọt với môi trường, với thế hệ mai sau".
"Nhiều đối tượng của ngành trồng trọt đặc biệt là các nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày còn có khả năng tự hấp thụ CO2 nên cần tính toán được chênh lệch giữa phát thải và hấp thu, tính toán được phát thải trong từng giai đoạn, từ đó đưa ra quy trình sản xuất phù hợp, hiệu quả", ông Hoàng Trung nhấn mạnh!.
Chuyển đổi mô hình sản xuất trồng trọt theo hướng giảm phát thải vì vậy không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, bắt buộc nếu muốn duy trì đà tăng trưởng, mở rộng thị trường, đồng thời bảo vệ sinh thái nông thôn và tạo sinh kế bền vững cho thế hệ nông dân mới.
Điều quan trọng là quá trình chuyển đổi này không thể làm theo phong trào hay áp đặt từ trên xuống mà cần được thực hiện một cách khoa học, bài bản, có lộ trình rõ ràng và phù hợp với điều kiện từng vùng, từng loại cây trồng, từng cộng đồng sản xuất. Từ bỏ tập quán cũ vốn đã ăn sâu trong thói quen sản xuất hàng chục năm không dễ, nhất là khi chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình canh tác mới, công nghệ tiết kiệm nước, giảm phát thải thường cao hơn, trong khi lợi ích chưa thấy ngay trước mắt.
Chính vì vậy, chuyển đổi mô hình đòi hỏi cơ chế hỗ trợ đồng bộ, từ chính sách tín dụng xanh, ưu đãi tín chỉ carbon, đào tạo kỹ thuật canh tác thông minh, đến việc xây dựng các liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ - chế biến - xuất khẩu để nông dân không “tự bơi” một mình.
Mặt khác, cần thay đổi nhận thức của người sản xuất: Giảm phát thải không phải là giảm năng suất hay thu nhập, mà là nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên các thị trường cao cấp, nơi người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho những sản phẩm an toàn, có trách nhiệm môi trường.
Cuối cùng, chuyển đổi mô hình chỉ có thể thành công khi được dẫn dắt bởi lực lượng nòng cốt, các doanh nghiệp tiên phong đầu tư công nghệ, các hợp tác xã làm hạt nhân tổ chức sản xuất, các địa phương chủ động tháo gỡ rào cản, đồng thời là sự đồng hành bền bỉ của các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức tín dụng, đối tác quốc tế.
ảnh minh hoạ
Cơ hội từ khoa học công nghệ và liên kết
Nếu chuyển đổi mô hình sản xuất là yêu cầu tất yếu, thì khoa học công nghệ chính là chìa khóa mở cánh cửa thực thi. Trong bối cảnh mục tiêu giảm phát thải được đặt ra cho ngành trồng trọt, chưa bao giờ vai trò của đổi mới công nghệ từ giống cây trồng, quy trình canh tác, đến quản lý chất lượng và thương mại lại mang tính quyết định như hiện nay.
Trước hết, khoa học công nghệ giúp giải bài toán nâng cao năng suất, ổn định sản lượng nhưng vẫn giảm thiểu phát thải. Các mô hình canh tác lúa tiên tiến, tưới tiêu ngập khô xen kẽ, kỹ thuật bón phân tiết kiệm, ứng dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc hóa học, xử lý phụ phẩm để sản xuất phân hữu cơ hoặc năng lượng tái tạo,… đã chứng minh tính khả thi, tạo ra giá trị mới từ những thứ từng bị xem là phế thải.
Bên cạnh đó, công nghệ số đang mở ra hướng đi đột phá: quản lý đồng ruộng thông minh bằng cảm biến IoT, hệ thống giám sát khí phát thải, nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc minh bạch, sổ tay carbon. Từ đó, sản phẩm trồng trọt không chỉ mang theo giá trị dinh dưỡng, kinh tế, mà còn mang giá trị “dấu chân carbon thấp”, đủ sức cạnh tranh trên những thị trường cao cấp đòi hỏi chứng nhận khắt khe.
Tuy nhiên, khoa học công nghệ sẽ chỉ thực sự phát huy sức mạnh khi có cơ chế chuyển giao phù hợp, khi những tri thức mới không dừng lại trong phòng thí nghiệm hay dự án mẫu, mà được đưa vào cánh đồng, trang trại, hợp tác xã - nơi hàng triệu nông dân đang cần giải pháp để thay đổi. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải thu hẹp khoảng cách từ nghiên cứu đến thực tiễn sản xuất bằng những mô hình liên kết bền vững.
Liên kết ở đây không chỉ là vài biên bản ghi nhớ, hội nghị ký kết, mà là mối quan hệ ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng giữa người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, chính quyền địa phương. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt thị trường, hợp tác xã tổ chức sản xuất quy mô lớn, còn nhà khoa học đồng hành tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ giải pháp công nghệ phù hợp.
Cũng từ các liên kết chặt chẽ, các chuỗi giá trị nông sản carbon thấp sẽ hình thành và phát triển. Đây chính là cơ sở để Việt Nam hướng tới tham gia thị trường tín chỉ carbon tự nguyện, tạo ra nguồn thu bổ sung từ việc bán tín chỉ carbon cho doanh nghiệp trong và ngoài nước - một nguồn lực mới giúp tái đầu tư cho nông dân.
Điều quan trọng là cần có cơ chế khuyến khích và chia sẻ lợi ích công bằng: nông dân chịu thiệt khi đầu tư mô hình mới thì được bù đắp bởi tín dụng xanh, doanh nghiệp tham gia chuỗi được ưu đãi tiếp cận thị trường, địa phương tiên phong chuyển đổi được hỗ trợ ngân sách, đồng thời các sáng kiến hay cần được nhân rộng thay vì bị “thí điểm mãi”.
Thực tế đã cho thấy nhiều mô hình liên kết vùng nguyên liệu trồng lúa chất lượng cao, trồng cây ăn quả hữu cơ xuất khẩu sang EU, Nhật Bản đã hình thành, góp phần khẳng định vị thế nông sản Việt Nam ở những thị trường khó tính nhất. Nhưng để từ “điểm sáng” trở thành hệ thống rộng khắp, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, đồng thuận chia sẻ rủi ro, lợi ích minh bạch giữa các bên.
Khoa học công nghệ và liên kết nếu được khơi thông đúng cách sẽ trở thành bệ đỡ quan trọng, biến thách thức cắt giảm phát thải thành cơ hội gia tăng giá trị, tạo thế và lực mới cho ngành trồng trọt Việt Nam vững bước trên con đường phát triển xanh, hiện đại và bền vững.
Hành động mạnh mẽ, trách nhiệm đồng bộ
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết, một số mục tiêu đang được dự thảo của đề án này như: Phấn đấu đến năm 2030, giảm 30% tổng lượng phát thải khí CH4 và giảm ít nhất 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực trồng trọt so với năm cơ sở 2020, thông qua áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với từng vùng sinh thái và nhóm cây trồng. Đến năm 2030, diện tích áp dụng các biện pháp canh tác trồng trọt giảm phát thải đạt tối thiểu 2,5 triệu ha, ưu tiên tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trình bày về dự thảo của đề án tại buổi họp ngày 26/6
Ảnh: Tùng Đinh
Một chương trình đầy tham vọng như sản xuất trồng trọt giảm phát thải giai đoạn 2025 - 2030 sẽ không thể biến thành hiện thực nếu thiếu quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và trách nhiệm đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường giữ vai trò then chốt, vừa là cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách, vừa là đầu mối điều phối, hướng dẫn thực thi, giám sát, đánh giá hiệu quả của toàn Chương trình.
Để đạt mục tiêu này, Bộ sẽ chỉ đạo mở rộng diện tích áp dụng các mô hình canh tác lúa giảm phát thải, canh tác hữu cơ, canh tác tuần hoàn lên ít nhất 1,5- 2 triệu ha, chiếm khoảng 20- 25% tổng diện tích đất trồng lúa và cây trồng chủ lực. Đi đôi với đó là giảm tối thiểu 30% lượng phân bón vô cơ, tăng tỷ lệ tái sử dụng phụ phẩm, giảm tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng xuống dưới 10% thay vì phổ biến như hiện nay.
Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường còn thể hiện ở việc hướng dẫn, đào tạo, phổ biến kỹ thuật canh tác thông minh, canh tác carbon thấp cho ít nhất 2-3 triệu lượt nông dân, ưu tiên các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu, các vùng chuyên canh cây công nghiệp và rau màu trọng điểm.
Bộ cũng đang phối hợp xây dựng hệ thống kiểm kê, đo đạc, giám sát phát thải trong trồng trọt, đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố, làm cơ sở chứng minh phát thải thực tế, minh bạch tín chỉ carbon khi tham gia thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ thúc đẩy hình thành ít nhất 50 vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, gắn với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, có chứng nhận phát thải thấp, hướng tới các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ - nơi các tiêu chuẩn carbon đang ngày càng khắt khe và là rào cản kỹ thuật bắt buộc.
Với những mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng và các giải pháp đồng bộ, vai trò của Bộ Nông nghiệp và Môi trường không chỉ dừng ở việc hoạch định mà còn là người dẫn đường, kiến tạo môi trường thuận lợi, khơi thông nguồn lực để từng địa phương, doanh nghiệp, nông dân thực sự là chủ thể trung tâm của quá trình chuyển đổi.
Hành động đủ mạnh, cam kết đủ cao và trách nhiệm đồng bộ chính là yếu tố quyết định để hiện thực hoá tham vọng biến ngành trồng trọt thành động lực tiên phong cho một nền nông nghiệp xanh, bền vững, phát thải thấp - đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Với quyết tâm chính trị, tầm nhìn dài hạn và những giải pháp đồng bộ, Chương trình sản xuất trồng trọt giảm phát thải giai đoạn 2025-2030 không chỉ là lời cam kết cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết phát thải ròng bằng “0” mà Việt Nam đã tuyên bố với thế giới, mà còn là động lực tạo ra một thế hệ sản xuất nông nghiệp mới, xanh hơn, thông minh hơn, có trách nhiệm hơn với môi trường và cộng đồng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt kỳ vọng Chương trình sẽ trở thành điểm tựa để lan tỏa nhận thức, thay đổi hành vi sản xuất, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng triệu nông dân Việt Nam; từng bước xây dựng một ngành trồng trọt không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản chất lượng cao mà còn mang “dấu chân carbon thấp” đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Hành trình phía trước chắc chắn không ít khó khăn, nhưng với hành động mạnh mẽ, trách nhiệm đồng bộ, cùng sự chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững sẽ không chỉ là kỳ vọng mà sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần khẳng định hình ảnh một Việt Nam chủ động, trách nhiệm và hội nhập sâu rộng trong kỷ nguyên phát triển carbon thấp.
Hồng Minh