
Nuôi trùn quế xử lý rác hữu cơ: Từ ý tưởng xanh đến hành động thiết thực
04/07/2025TN&MTMô hình nuôi trùn quế để xử lý rác thải hữu cơ của Công ty Môi trường Lam Sơn (Thanh Hóa) không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm mà còn lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
Giữa bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và rác thải sinh hoạt ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối tại các đô thị và khu dân cư nông thôn, việc tìm ra những mô hình xử lý rác hiệu quả, bền vững đang là ưu tiên của nhiều địa phương. Tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), một mô hình độc đáo và đầy tính nhân văn đang được triển khai, đó là nuôi trùn quế để xử lý rác hữu cơ và sản xuất phân bón. Đứng sau mô hình này là Công ty Cổ phần Vệ sinh Môi trường Lam Sơn – đơn vị tiên phong trong áp dụng phương pháp thân thiện với tự nhiên để giải quyết bài toán ô nhiễm rác thải sinh hoạt.
Trùn quế được nuôi trong các luống ủ rác hữu cơ để sản xuất phân bón tự nhiên
Trùn quế – “công nhân sinh học” trong xử lý rác hữu cơ
Theo thống kê, rác thải sinh hoạt tại nhiều khu dân cư hiện nay có đến 60–70% là rác hữu cơ, bao gồm vỏ rau, cơm thừa, lá cây, thức ăn thừa... Những loại rác này nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây mùi hôi, phát sinh ruồi muỗi và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của người dân. Thông thường, phần lớn lượng rác này bị chôn lấp hoặc đốt, gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm nguồn nước ngầm, khí độc phát tán ra không khí và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn môi trường.
Trước thực trạng đó, Công ty Lam Sơn đã quyết định ứng dụng mô hình nuôi trùn quế để biến rác hữu cơ thành phân bón. Đây là phương pháp xử lý sinh học vừa hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường. Trùn quế – loài giun đất có khả năng tiêu hóa chất hữu cơ cực nhanh – được nuôi trong các chuồng ủ rác đặc biệt. Sau khi được phân loại, rác hữu cơ được trộn đều và đưa vào các khu ủ chứa trùn. Chỉ trong khoảng 20–30 ngày, toàn bộ lượng rác sẽ được phân hủy, chuyển hóa thành phân trùn (vermicompost), tơi xốp, giàu dinh dưỡng và hoàn toàn không có mùi hôi.
Phân trùn thu được sau khi xử lý có màu nâu xốp, giàu dinh dưỡng và không mùi
Anh Vũ Đình Đức – Cán bộ kỹ thuật tại Công ty Lam Sơn cho biết: “Trung bình mỗi ngày, chúng tôi xử lý được từ 1 đến 1,5 tấn rác hữu cơ. Điều đặc biệt là toàn bộ quy trình xử lý đều không sử dụng hóa chất, hoàn toàn dựa vào hoạt động tự nhiên của trùn quế. Kết quả thu được là loại phân bón hữu cơ chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp sạch”.
Hiện tại, phân trùn sau khi thu hoạch được đóng gói và phân phối cho các hộ nông dân tại địa phương, đồng thời sử dụng trong một số mô hình trồng rau hữu cơ do công ty kết hợp với người dân triển khai. Nhờ chất lượng tốt và không gây hại môi trường, sản phẩm này ngày càng được người dân ưa chuộng.
Giun quế sinh trưởng dày đặc trong lớp phân đang hoàn thiện
Từ rác thành phân bón – Từ thói quen thành hành động
Không chỉ dừng lại ở khía cạnh kỹ thuật, điều đáng chú ý là mô hình của Công ty Lam Sơn còn gắn liền với việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là trong việc phân loại rác tại nguồn. Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, yếu tố quyết định thành bại của mô hình là rác hữu cơ phải được phân loại đúng ngay từ ban đầu, không lẫn rác vô cơ hay các chất độc hại.
Nhận thức được điều này, từ đầu năm 2025, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chiến dịch truyền thông cộng đồng, tuyên truyền qua loa phát thanh, bảng tin và trực tiếp đến từng hộ dân. Hơn 500 thùng rác phân loại 3 ngăn (rác hữu cơ – rác vô cơ – rác tái chế) đã được phát miễn phí cho các hộ dân trên địa bàn, ưu tiên khu vực xung quanh trạm xử lý trùn quế.
Thùng rác hữu cơ được phát miễn phí cho người dân địa phương
Chị Trần Thị Hường – một người dân xã Thường Xuân chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng thấy lạ lẫm và hơi phiền khi phải phân loại rác. Nhưng được cán bộ công ty và bên Hội phụ nữ hướng dẫn kỹ, cả nhà tôi giờ ai cũng tự giác phân rác. Thùng rác để gọn gàng, rác hữu cơ không có mùi, còn được công ty gom lại đem xử lý thành phân bón. Tôi thấy điều này rất có ích cho môi trường”.
Sau vài tháng triển khai, ý thức người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều hộ còn chủ động gom rác sạch như vỏ hoa quả, cơm thừa, lá cây để gửi về trạm xử lý của công ty. Tình trạng vứt rác bừa bãi tại khu dân cư đã giảm đáng kể. Một số hộ nông dân còn xin học cách nuôi trùn quế tại nhà để tận dụng rác bếp làm phân bón cho vườn rau.
Sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn quế được đóng gói để phục vụ sản xuất nông nghiệp
Mô hình nhỏ – tác động lớn
Hiệu quả của mô hình không chỉ được đo bằng tấn rác hữu cơ được xử lý mỗi ngày, mà còn ở tác động xã hội tích cực mà nó mang lại. Từ một dự án nhỏ với quy mô thử nghiệm ban đầu, đến nay, Công ty Lam Sơn đang từng bước mở rộng mô hình ra các xã lân cận. Dự kiến trong năm tới, đơn vị sẽ nâng công suất xử lý lên 2,5 tấn/ngày, đồng thời mở thêm điểm thu gom và phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở cơ sở để nhân rộng mô hình.
Theo các chuyên gia đánh giá: Mô hình của Công ty Lam Sơn đã chứng minh rằng, nếu có cách làm phù hợp, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân thì việc xử lý rác thải hoàn toàn có thể trở nên đơn giản, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, thông qua mô hình này, người dân dần hiểu rằng rác không còn là thứ bỏ đi, mà có thể trở thành tài nguyên nếu biết cách tận dụng.
Phân trùn giúp cải tạo đất, giữ ẩm tốt và thúc đẩy sự phát triển của rễ cây
Từ góc độ môi trường, việc xử lý rác hữu cơ bằng trùn quế còn giúp giảm thiểu lượng rác phải vận chuyển đến bãi rác tập trung, giảm nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm không khí do đốt rác và rò rỉ nước rác. Đây cũng là một bước đi phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái mà Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa đang thúc đẩy.
Hoàng Anh