
Nghiên cứu và đề xuất phương án chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh
23/05/2025TN&MTNghiên cứu đề xuất giải pháp chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh do TS. Trần Thiện Phong, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh đưa ra. Nghiên cứu đã đề xuất là đào một kênh rộng 25m, dài 28,3km, cặp theo Quốc lộ 1A, điểm đầu từ sông Sài Gòn, Quận 12, qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, điểm cuối nối sông Chợ Đệm, để thoát nước và tạo đường giao thông thủy cho Thành phố.
Tình trạng ngập lụt do mưa tại Thành phố Hồ Chí Minh là một vấn đề lớn đã kéo dài nhiều năm và còn tiếp diễn trong tương lai. Để giải quyết chống ngập lụt trong Thành phố, tác giả đề xuất giải pháp đào kênh thoát nước cặp theo tuyến đường Quốc lộ 1A, nhằm trong thời gian ngắn, Thành phố sẽ xây dựng được hệ thống thoát nước, tạo cảnh quan môi trường thân thiện, với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ và khai thác khối lượng nước mưa khổng lồ để sử dụng, phục vụ tốt nhất cuộc sống của người dân.
Nghiên cứu đề xuất giải pháp chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh do TS. Trần Thiện Phong, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh đưa ra. Nghiên cứu đã đề xuất là đào một kênh rộng 25m, dài 28,3km, cặp theo Quốc lộ 1A, điểm đầu từ sông Sài Gòn, Quận 12, qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, điểm cuối nối sông Chợ Đệm, để thoát nước và tạo đường giao thông thủy cho Thành phố.
Theo TS. Trần Thiện Phong, phương pháp nghiên cứu được tiếp cận nguồn thông tin các dự án, công trình, bài báo khoa học đã công bố của nhiều chuyên gia có uy tín để sử dụng những luận cứ, số liệu xác thực, kết hợp với khảo sát thực trạng hạ tầng đô thị, cho thấy tình hình ngập lụt do mưa tại Thành phố đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến đời sống và tài sản của người dân; những khó khăn bất cập trong công tác chống ngập và quản lý đất đai, xây dựng ở đô thị, từ đó đề xuất giải pháp đào một kênh cặp theo Quốc lộ 1A, từ sông Sài Gòn đến sông Chợ Đệm, nhằm thoát nước và tạo đường giao thông thủy cho Thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân.
Chỉ ra thực trạng, nhận định nguyên nhân ngập lụt
Thành phố Hồ Chí Minh có địa hình tương đối phẳng và thấp với một số gò triền phía Tây - Bắc và Đông - Bắc, cao độ mặt đất có khuynh hướng giảm dần từ phía Tây - Bắc về phía Nam và Đông - Nam. Vì địa hình bằng và thấp nên thường xuyên bị ngập do mưa và triều, đặc biệt khi thủy triều dâng lên hơn 1,4m thì nhiều khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng. Với hơn 69% diện tích đất có địa hình thấp (<=2m), lún mặt đất sẽ có ảnh hưởng lớn đối với những khu vực ngập triều và làm hư hỏng các công trình trong quá trình phát triển của đô thị. Trong tương lai, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, thì lún mặt đất kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến Chương trình điều hành thoát nước và chống ngập của Thành phố. Bình quân mỗi năm ở Thành phố có khoảng 150 trận mưa, trong đó chỉ 50 trận gây ngập, giả sử vũ lượng của những cơn mưa này là 50mm thì 1,25 tỷ tấn nước mưa đổ xuống với diện tích 50.000 ha của khu vực nội thành, huyện Hóc Môn (50 x 0,05m x 500.000.000m2 = 1.250.000.000m3).
Về nguyên nhân gây ngập lụt ở Thành phố nhiều năm qua, các chuyên gia, nhà quản lý nêu những nguyên nhân khách quan như địa hình trung tâm Thành phố thấp, do mưa lớn kết hợp triều cường hoặc lũ, biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết…; đồng thời cũng chỉ rõ các nguyên nhân chủ quan như hệ thống thoát nước (cống, kênh tiêu...) ở khu nội thành cũ kỹ, hư hỏng, không hoặc chưa được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét thường xuyên hoặc chưa được hoàn chỉnh; do đô thị hóa tăng nhanh, phần lớn đất đai nội thành, quận ven được bê tông hoá, nhựa hoá xây dựng nhà, công xưởng, đường sá, do vậy khi mưa xuống, hầu như toàn bộ nước mưa đều tập trung thành dòng chảy (đường trở thành sông), không thể thấm xuống đất để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung; hoặc việc xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng làm cản hướng thoát nước của Thành phố xuống phía Nam; hệ thống kênh rạch, ao hồ bị san lấp, lấn chiếm như rạch Ông Kích, rạch Bà Lài, rạch Cụt, Bình Tiên, Bà Lài, Đầm Sen, ao Sen,…; hoặc do ý thức người dân chưa cao, cụ thể còn nhiều hành vi xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến bít lỗ cống làm cho việc tiêu thoát nước khó khăn; đặc biệt nêu rõ nguyên nhân ngập úng do công tác quản lý đô thị kém: Dự án “Vệ sinh môi trường thành phố - Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” với khoảng hơn 50km cống các loại, trong đó có nhiều cống hộp đường kính 2,5m x 2,5m, được đặt trên địa bàn các quận: 3, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình; Dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 1” đã lắp đặt khoảng 30km cống thoát nước trên địa bàn các Quận: 1, 3, 5, 10, 11; Dự án “Nâng cấp đô thị TP.HCM” lắp đặt khoảng 25km cống trên địa bàn các quận: 6, 11, Tân Phú, Tân Bình… Tuy nhiên, cơn mưa ngày 26/9/2016, nhiều tuyến đường đã lắp đặt cống hộp thoát nước như: Phan Đình Giót, Phan Thúc Duyện (Phú Nhuận, Tân Bình), Âu Cơ (Tân Bình, Tân Phú), Thoại Ngọc Hầu, Bàu Cát (Tân Bình), Phan Đình Phùng (Phú Nhuận)… đều chìm trong biển nước. Điều này cho thấy cả ba dự án thoát nước có tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD chưa đạt hiệu quả chống ngập như mong đợi.
Đề xuất đào mới con kênh xuyên tâm từ Đông sang Tây của Thành phố
Để chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh, tác giả đề xuất đào mới con kênh xuyên tâm từ Đông sang Tây của Thành phố, nối từ sông Sài Gòn hướng về sông Chợ Đệm - gọi là kênh Vành đai Đông - Tây, con kênh này có chức năng thu nước mưa của các quận, huyện: Quận 12, Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh và điều tiết chống ngập cho khu vực, đồng thời tạo đường giao thông thủy độc đáo của Thành phố. Kênh Vành đai có vị trí nằm trong phần lộ giới 60m của Quốc lộ 1A, ở phía bên trái Quốc lộ, điểm đầu từ sông Sài Gòn (cầu Bình Phước), Quận 12, qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, điểm cuối nối sông Chợ Đệm (cầu Bình Điền).
Tuyến Kênh Vành đai Đông - Tây
Diện tích giải tỏa để làm kênh Vành đai Đông - Tây: Đoạn chiều dài 28,3km của Quốc lộ 1A trên dự kiến bố trí đào kênh cặp theo Quốc lộ, có lòng đường hiện hữu là 30m (từ tim đường ra mỗi bên là 15m, 4 làn xe), do vậy chỉ giải tỏa thêm 45m, tính từ mép đường bên trái Quốc lộ trở ra cho đủ phạm vi lộ giới 60m. Vì trên tuyến đường này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã công bố lộ giới 120m từ năm 1995, nên việc thực hiện giải tỏa để thực hiện công trình công cộng trong phạm vi 60m mỗi bên sẽ giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng rất nhiều, theo đó, diện tích đất giải tỏa là: 45m x 28.300m = 1.273.500m2 (127,35 ha)
Với phạm vi giải tỏa chiều ngang 45m từ mép đường Quốc lộ 1A hiện hữu trở ra, đề xuất thiết kế kênh Vành đai Đông - Tây, chiều dài 28,3km, cấp kỹ thuật V; kênh có chiều rộng 25m, sâu 5m, đáy kênh rộng 15m (cao trình đáy kênh thấp hơn mực nước sông Sài Gòn từ 2 - 3m, dốc về hướng sông Chợ Đệm), hai bờ kênh rộng 5m, có một bên tiếp giáp phần đường 4 làn xe của Quốc lộ 1A hiện hữu và một bên tiếp giáp với đường ô tô cấp III, mặt đường rộng 7m, 2 làn xe, phần vỉa hè giáp khu dân cư là 3m. Kênh được xây bờ kè và có cầu vượt qua các giao lộ, thiết kế mặt cắt kênh như sau:
Mặt cắt Kênh Vành đai Đông - Tây
Dự toán tổng kinh phí đào Kênh Vành đai Đông - Tây
Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng: Lấy dự toán đơn giá bồi thường dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 22 năm 2024 (đoạn Nút giao An Sương Quận 12), theo đó, đất ở là 79.700.000 đồng/m2; đồng thời lấy giá bình quân bồi thường đất nông nghiệp (cây lâu năm) trong dự án Vành đai 3 đi qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh năm 2023 là 5.000.000 đồng/m2 và cho rằng 15m từ mép nhựa Quốc lộ 1A trở ra bồi thường đất nông nghiệp, 30m còn lại bồi thường đất ở thì sơ bộ tổng kinh phí bồi thường là:
+ Đất ở: 79.700.000 đồng/m2 x 30m x 28.300m = 67.665.300.000.000 đồng
+ Đất nông nghiệp: 5.000.000 đồng x 15m x 28.300m = 4.245.000.000.000 đồng
67.665.300.000.000 đồng + 4.245.000.000.000 đồng = 71.910.300.000.000 đồng (1)
- Chi phí đào kênh: Theo Quyết định số 2966/QĐ-UBND ngày 21/7/2023 của UBND TP. Hồ Chí Minh về công bố đơn giá xây dựng khu vực TP. Hồ Chí Minh, ước tính chi phí đào kênh như sau:
+ Tổng khối lượng đất đào kênh: [(25m + 15m)/2] x 5m x 28.300m = 2.830.000m3.
+ Đơn giá đào kênh rộng > 20m bằng máy: 2.094.165 đồng/100m3 (20.941,65 đồng/m3).
20.941,65 đồng x 2.830.000m3 = 59.264.869.500 đồng (2)
+ Đơn giá vận chuyển đất phạm vi 20km bằng ô tô: 43.000 đồng/m3
43.000 đồng x 2.830.000m3 = 121.690.000.000 đồng (3)
+ Đơn giá xây dựng bờ kè và đường hai bên bờ kênh: Tạm tính theo đơn giá Dự án xây dựng công trình bờ kè kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (2023) là 213,6 tỷ đồng/km thì chi phí xây dựng bờ kè và đường hai bên bờ kênh Vành đai Đông - Tây là:
213.000.000.000 đồng x 28,3km x 2 = 12.089.760.000.000 đồng (4)
* Tổng kinh phí: (1) + (2) + (3) + (4) = 84.181.014.869.500 đồng + 10% dự phòng phí = 92.599.116.356.450 đồng (Chín mươi hai nghìn năm trăm chín mươi chín tỷ một trăm mười sáu triệu ba trăm năm mươi sáu ngàn bốn trăm năm mươi đồng).
Ghi chú: Trên đây là dự toán kinh phí đào mới kênh Vành đai Đông - Tây, khi tiến hành triển khai, các nhà chuyên môn sẽ khảo sát, kiểm đếm, chiết tính chính xác từng hạng mục theo quy định và có thể tăng giảm dự toán, ví dụ tính thêm chi phí cầu vượt qua kênh tại các giao lộ như: Ngã 4 Ga, Tân Thới Hiệp, Quang Trung, An Sương, Thuận Kiều, Gò Mây, Tân Kỳ Tân Quý, Tân Tạo, An Lạc, Võ Văn Kiệt,... hoặc qua điều tra hiện trạng, thời điểm sử dụng nhà đất, xác định là đất nông nghiệp thì sẽ giảm chi phí bồi thường thấp hơn đất ở gấp nhiều lần.
Khai thác quản lý sử dụng kênh Vành đai Đông - Tây
Kênh Vành đai Đông - Tây dài 28,3km, chạy dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thuộc đường Vành đai 1 của Thành phố, có chức năng tiêu thoát nước mưa, trữ nước ngọt, chống ngập khoảng 50.000 ha, chiếm ¼ diện tích Thành phố, gồm các địa phương: Quận 12, huyện Hóc Môn, các quận: Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh; tạo môi trường khí hậu cảnh quan trong lành và tuyệt đẹp cho khu vực. Tại các điểm nối giữa kênh Vành đai với sông Sài Gòn, sông Vàm Thuật, kênh Tham Lương và sông Chợ Đệm, thiết kế cống điều tiết tự động nhằm cân bằng mực nước kênh. Tuyệt đối không cho nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa được xử lý từ hệ thống cống thoát nước cặp theo đường giao thông hiện nay chảy vào kênh, nhằm bảo đảm nước kênh không bị ô nhiễm.
Từ kết quả đạt được của dự án, từng bước, theo điều kiện kinh phí cho phép, Thành phố tiếp tục xây dựng đào các kênh kỹ thuật cấp VI (chiều rộng kênh dưới 25m và sâu dưới 3m), cặp theo các quốc lộ, đại lộ như: Xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Hóa An, sông Đồng Nai đến cầu Sài Gòn) hoặc tiếp nối với đường Mai Chí Thọ đến hầm Thủ Thiêm, sông Sài Gòn; Quốc lộ 1, đoạn từ Vòng xoay Trạm 2 đến cầu Bình Phước; suốt tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh nối với kênh Vành đai Đông - Tây. Những kênh đào mới cặp theo các trục giao thông quốc lộ, đại lộ này được thiết kế để gom nước mưa của lưu vực chung quanh, điều tiết thủy triều và do đó sẽ không gây ngập cho Thành phố; đồng thời có thể lấy nước ở bất kỳ đoạn kênh nào để xử lý cung ứng nước sạch cho cư dân Thành phố. Mặt khác, giao thông thủy, vận chuyển hàng hóa, các tuyến tàu buýt được hình thành nhộn nhịp trên kênh đào mới này sẽ giảm tải kẹt xe trên trục đường bộ và tạo vẻ đẹp độc đáo cho TP. Hồ Chí Minh.
Việc đào kênh vành đai Đông - Tây của TP. Hồ Chí Minh nêu trên có giá trị kinh tế - xã hội, môi trường khí hậu cảnh quan rất to lớn, tính khả thi cao và bền vững hàng ngàn năm. Nếu mỗi năm Thành phố thiệt hại do ngập lụt khoảng 250 triệu USD thì chỉ trong vòng chưa tới 20 năm khai thác sử dụng kênh đào mới này, Thành phố đã lấy lại vốn. Ý tưởng đào mới kênh Vành đai Đông - Tây của TP. Hồ Chí Minh nêu trên rất cần góp ý nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, quản lý, chuyên gia để có thể trở thành dự án khả thi.
Phong Thiện